Đài truyền hình Zvezda gần đây đã có bài phân tích về vấn đề liệu Nga có còn cần những căn cứ quân sự ở nước ngoài trong bối cảnh hiện nay, theo Sputnik ngày 30.4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề cập đến vấn đề này tại cuộc họp báo cuối năm thường niên ngày 17.12.2015. Tổng thống Putin nói nhờ vào những loại vũ khí hiện đại, Nga có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ông Putin nhấn mạnh khả năng của tên lửa hành trình Klub phóng từ các tàu trên biển (tầm bắn 1.500 km) và tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ máy bay (tầm bắn 4.500 km) gần đây được sử dụng chống khủng bố tại Syria.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng Nga có nên đưa quân thường trực đến Syria, ông Putin nói: “Tại sao chúng ta lại phải đóng quân tại Syria? Chúng ta có cần bắt kịp ai hay chăng, chúng ta có thể làm điều đó mà không cần căn cứ (ở nước ngoài)”.
Theo Zvezda, Mỹ dù có kho vũ khí hiện đại nhưng không gấp gáp trong việc giảm sự hiện diện quân sự ở các nước là vì hầu hết 730 căn cứ của Mỹ không có mục đích phòng thủ. Thay vào đó, các căn cứ này là “một hình thức thuộc địa hoá thông qua việc phô trương sức mạnh và tiềm lực quân sự trên lãnh thổ nước ngoài”.
|
Zvezda dẫn dữ liệu của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sở hữu hoặc thuê lại các căn cứ tại 130 nước (theo các chuyên gia thì con số thật ra còn cao hơn). Có 253.288 lính tại các căn cứ này, chưa tính người nhà của số lính này. Có tổng cộng 44.870 trại lính, nhà để máy bay, bệnh viện, các công trình khác và 4.844 toà nhà nữa được thuê lại.
Việc “in dấu chân” trên bản đồ thế giới của quân đội Mỹ đã trở thành một trong những cách để Mỹ gia tăng sức ảnh hưởng đối với những vùng lãnh thổ mới.
Những căn cứ này là công cụ hiệu quả, là những bước đệm cho quân đội Mỹ có thể nhảy từ lục địa Mỹ sang châu Âu, Nhật Bản nếu cần thiết. Theo Zvezda, Mỹ không ngần ngại trong việc phô trương sức mạnh tại châu Âu, tập trung tại Đức và hô hào khẩu hiệu thời Chiến tranh Lạnh là “người Nga đang đến”.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự hiểu rõ lý do cho việc xây dựng căn cứ của Mỹ không phải là do mối đe doạ từ Nga, mà là để giữ sức mạnh quân sự của Đức dưới sự kiểm soát của Mỹ.
|
Đối với Nga hiện nay và Liên Xô trước kia, các căn cứ quân sự nước ngoài được coi là công cụ thể hiện sức mạnh, dùng để bảo vệ lợi ích không chỉ của Nga mà còn của đồng minh, răn đe kẻ thù và góp phần đảm bảo ổn định khu vực, theo Zvezda. Đài này lấy ví dụ trường hợp Nga hiện diện quân sự tại Tajikistan và Kyrgyzstan đã giúp huấn luyện và tái vũ trang cho quân đội các nước này.
Theo Zvezda, trong số các nước hậu Liên Xô, hiện nay chỉ có Belarus và Armenia là hỗ trợ quân sự thật sự cho Nga trong cuộc đối đầu với NATO mà không tính toán quyền lợi. Zvezda cho rằng Nga đang chịu nhiều khó khăn trong việc giữ các căn cứ quân sự ở các nước láng giềng.
Ví dụ như việc châu Âu đề xuất thay đổi hình thức hoạt động gìn giữ hoà bình tại Transnistria (phần lãnh thổ ly khai ở Moldova), yêu cầu Nga rút quân khỏi vùng xung đột dù Nga thật ra có một căn cứ quân sự tại đây trong 20 năm qua. Hoặc như trường hợp Crimea, Zvezda cho rằng nếu Nga không sáp nhập Crimea thì rất có thể Ukraine cùng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ gây sức ép đẩy lực lượng Nga ra khỏi khu vực.
Phần Lan cảnh báo xung đột với Nga nếu gia nhập NATO
Một báo cáo của chính phủ Phần Lan cho biết nước này sẽ “xung đột nghiêm trọng với Nga” nếu gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Reuters trích dẫn.
Đài Zvezda cho biết Liên Xô từng sở hữu những căn cứ quân sự ở mọi châu lục trừ châu Úc. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga từ bỏ hầu như toàn bộ số căn cứ đó. Nguyên nhân được cho không chỉ vì khó khăn kinh tế mà vì Nga muốn tạo ra một chương mới trong quan hệ với Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Điển hình là việc Nga từ bỏ các căn cứ ở Việt Nam và Cuba. Hơn nữa, Nga còn có điểm chung với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Sau vụ khủng bố 11.9.2001, Tổng thống Putin là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Mỹ G. Bush để chia sẻ.
Zvezda cho rằng muốn trả lời câu hỏi Nga có cần các căn cứ quân sự nước ngoài hay không, trước tiên cần phải xem lại học thuyết quân sự của Nga. Nếu Nga muốn thống trị thế giới hoặc làm chủ các vùng nhiều dầu mỏ ở Trung Đông thì hiển nhiên là nước này cần các căn cứ ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Nga chưa từng thực hiện điều này dù các quan chức cấp cao từng nói sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở các nước như Việt Nam, Cuba, Venezuela… Đó sẽ là lời nói suông nếu Nga không đưa quân đến các căn cứ ở đó như cách mà Mỹ đã làm. Thực chất, điểm quan trọng đối với hải quân và không quân Nga là cần các căn cứ hậu cần ở xa. Tàu thuyền, máy bay nếu bị hỏng hóc, cần bảo dưỡng, nạp nhiên liệu sẽ cần những địa điểm như trên. Và Nga đang có các cơ sở này tại Cuba và Việt Nam.
|
Với những vũ khí hiện đại ngày nay, Nga không cần các căn cứ quân sự ở nước ngoài, vì đó là một gánh nặng với chính phủ. Thực chất Nga chỉ cần các căn cứ tạm thời như Hmeimim ở Syria là đủ để giải quyết các mục tiêu chiến đấu.
Zvezda nhận định những căn cứ như vậy cung cấp sự linh hoạt, và Nga có thể dễ dàng chất đồ lên máy bay vận tải về nước trong vài ngày. Chính sách về căn cứ quân sự của Nga cần sự linh hoạt và đặt lợi ích quân sự lên hàng đầu. Tuy nhiên cũng cần tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực, đánh giá tình hình và khả năng tài chính.
Zvezda kết luận rằng việc triển khai quân ở căn cứ nước ngoài phụ thuộc vào tình hình diễn biến quân sự-chính trị của từng khu vực. Theo Zvezda, không thể không nhắc đến việc NATO đang tiếp tục hiện diện lực lượng thường trực tại biên giới với Nga. Nếu NATO tiếp tục gia tăng căng thẳng, Nga sẽ buộc phải mở rộng các căn cứ nước ngoài và gia tăng các điểm phòng thủ càng xa càng tốt.
Bình luận (0)