Binh lực Nga tại Bắc Cực

10/12/2015 08:00 GMT+7

Nga có những động thái gia cố sức mạnh quân sự tại Bắc Cực sau khi bất ngờ điều các hệ thống vũ khí tối tân đến nơi này.

Nga có những động thái gia cố sức mạnh quân sự tại Bắc Cực sau khi bất ngờ điều các hệ thống vũ khí tối tân đến nơi này.

Nga luôn tự hào về hệ thống tên lửa phòng không S-400 của mình - Ảnh: KommersantNga luôn tự hào về hệ thống tên lửa phòng không S-400 của mình - Ảnh: Kommersant
Củng cố sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực là một phần trong chiến lược quân sự của Nga tới năm 2020. Để hiện thực hóa kế hoạch này, Moscow luôn chủ động tìm cơ hội thiết lập một mạng lưới thống nhất các cơ sở quân sự trong khu vực để đón tàu chiến, chiến đấu cơ hiện đại nhằm tăng cường bảo vệ biên giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm ngoái từng khẳng định không có kế hoạch quân sự hóa Bắc Cực, song nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích và biên giới của Nga trong vùng.
Triển khai “sát thủ” S-400
Một trong những bước đi đó là điều 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph tới Bắc Cực trong năm nay, theo Hãng tin Tass dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga ngày 8.12.
“Hai hệ thống tên lửa S-400 đã được kích hoạt và triển khai tới quần đảo Novaya Zemlya và thành phố Tiksi ở Yakutia trong năm nay, thuộc khuôn khổ chương trình củng cố lực lượng Bắc Cực được thành lập năm 2014”, quan chức trên nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc tế mang tên “Bắc Cực - hiện tại và tương lai”.
Được NATO định danh SA-21 “Growler”, hệ thống S-400 có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không trong phạm vi 400 km ở độ cao từ vài mét đến hàng chục ki lô mét. Đây là hệ thống phòng thủ 3 tầng, có khả năng theo dõi cùng lúc 300 mục tiêu trong phạm vi 600 km, cũng như bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu. Với các mục tiêu như máy bay và tên lửa hành trình, S-400 có thể bắn hạ trong phạm vi 400 km ở độ cao lên đến 27 km. Với tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ 4,8 km/giây, hệ thống này có thể tiêu diệt ở phạm vi 60 km. Đây còn được cho là mối đe dọa lớn đối với các chiến đấu cơ như Tornado của Anh, F-15 và F-16 của Mỹ.
Giới chức quốc phòng Nga thậm chí tuyên bố S-400 có thể bắn hạ chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ. “Cho dù máy bay đang bay thấp với tốc độ bằng vận tốc xe di chuyển trên mặt đất, radar sẽ phơi bày nó trên màn hình. Đối với S-400, không có gì được gọi là máy bay tàng hình vì hệ thống này sẽ thấy và bắn hạ hết”, một quan chức quốc phòng Nga tự hào khoe với Hãng Sputnik.
Ngoài S-400, Nga cũng đã triển khai các khẩu đội tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S đến Bắc Cực nhằm hỗ trợ năng lực phòng thủ tầm ngắn. Bên cạnh đó, một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion đã được đưa tới Novaya Zemlya để phòng thủ trước các cuộc tấn công từ biển vào đất liền. “Tất cả các đơn vị trên đều được đặt trong tình trạng cảnh báo cao độ suốt ngày đêm. Mọi đơn vị kiểm soát máy bay, giám sát trên không cùng các radar đều đã được bố trí dọc theo Tuyến đường biển phương Bắc (NSR), từ bán đảo Kola và Novaya Zemlya cho đến Andyr và mũi Schmidt ở phía đông”, Hãng Tass dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết thêm.
Căn cứ chiến lược
Việc bảo vệ biên giới Nga tại Bắc Cực là một trong những nhiệm vụ của quân đội từ năm 2014, theo Tass. Moscow cũng đã thiết lập Bộ Tư lệnh chiến lược liên quân Bắc Cực, sáp nhập các đơn vị và cơ quan chỉ huy ở khu vực phía bắc của nước này. Ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga, tiết lộ nước này sẽ xây dựng 13 sân bay, một căn cứ huấn luyện bay và 10 hệ thống radar phòng không cùng đài hướng dẫn không lưu tại Bắc Cực.
Bộ Quốc phòng Nga vừa lập các nhóm quân tại quần đảo Novaya Zemlya, quần đảo Frantz Joseph Land, quần đảo New Siberia, đảo Wrangel và mũi Schmidt, đồng thời đã bắt đầu xây dựng 7 sân bay tại Yakutia, Taimyr và Chukotka. Các nhóm quân trên đều thuộc Bộ Tư lệnh liên quân Bắc Cực, có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Nga tại khu vực cực Bắc.
Cũng theo Tass dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu Nga, Moscow đã hoàn tất việc trang bị đầy đủ các thiết bị tiện nghi cho 6 căn cứ mới ở Bắc Cực nhằm khôi phục sự hiện diện quân sự như thời Chiến tranh lạnh. Động thái trên giúp Moscow sẵn sàng triển khai hàng trăm lính đến đồn trú lâu dài tại đây, có thể từ đầu năm tới.
Việc xây dựng các căn cứ tại Bắc Cực sẽ “cho phép Nga sử dụng nhiều máy bay ném bom hiện đại và lớn hơn” trong khu vực, theo tờ The Moscow Times dẫn nhận định của Mark Galeotti, một chuyên gia Nga tại Đại học New York (Mỹ). Chuyên gia này còn khẳng định: “Đến năm 2025, tuần tra các vùng biển Bắc Cực sẽ là một phi đội máy bay ném bom tàng hình PAK DA thế hệ mới”.
Thách thức địa chính trị
Bắc Cực được cho là sẽ trở thành chiến trường địa chính trị trong tương lai bởi tình trạng ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan có thể sẽ làm phát lộ nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác. Mỹ ước tính khoảng 15% lượng dầu còn lại trên thế giới, 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang nằm dưới đáy biển Bắc Cực. Ngoài ra, băng tan sẽ giúp hình thành các tuyến đường hàng hải toàn cầu mới với thời gian ngắn hơn. Theo giới quan sát, đến năm 2030, tuyến đường biển phương Bắc sẽ có thể hoạt động trong suốt 9 tháng mỗi năm, giúp giảm tới 60% thời gian đi lại giữa châu Âu và Đông Á so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hoặc Suez.
Ngoài Nga, còn có Đan Mạch, Na Uy, Canada và Mỹ tham gia tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Giới quan sát đánh giá, những chuyển động mới của Moscow gây quan ngại về tình trạng chạy đua vũ trang nhằm đảm bảo chủ quyền ở tại Bắc Cực.
Nga sẽ triển khai MiG-31
Bắt đầu từ năm 2017, không quân Nga sẽ triển khai các chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31 tại một căn cứ không quân ở thành phố Tiksi ở Bắc Cực, theo Sputnik dẫn lời Tư lệnh Lực lượng không quân vũ trụ Nga Viktor Bondarev hồi tháng 10.2014. Tướng Bondarev còn nói thêm rằng các chiếc MiG-31 cũng sẽ được triển khai đồn trú tại một căn cứ không quân ở Anadyr (thủ phủ của Khu tự trị Chukotka). Các máy bay MiG-31 sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ tàu chiến của Nga di chuyển dọc tuyến đường biển phương Bắc trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang.
MiG-31 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Nga, được phát triển cách đây 25 năm. Tuy vậy, nó hiện vẫn là một trong những chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới. MiG-31 được trang bị các tên lửa không đối không tầm xa có thể đánh chặn và phá hủy tên lửa hành trình ở độ cao cực thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.