Cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

03/10/2013 03:00 GMT+7

VN cần tích cực giải quyết được vấn đềnợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, đồng thời không làm gia tăng lạm phát.

VN cần tích cực giải quyết được vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, đồng thời không làm gia tăng lạm phát.

Cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

ADB nhận định hiện tại quy mô cũng như cách thức xử lý nợ xấu của VN chưa hoàn toàn rõ ràng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2013 được công bố ngày 2.10. Đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước VN trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng , đặc biệt là việc thành lập Công ty quản lý tài sản VN (VAMC), nhưng ADB cũng nêu rõ hiện tại quy mô cũng như cách thức xử lý nợ xấu của VN chưa hoàn toàn rõ ràng.

Theo Giám đốc quốc gia ADB tại VN Tomoyuki Kimura, thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.  Nguồn vốn của VAMC có đủ khả năng xử lý nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Bên cạnh đó là chuyện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay mà không có thế chấp cũng sẽ là một vấn đề khó khăn cho VAMC. ADB cũng bày tỏ quan ngại về việc chuyển tài sản bảo đảm sang cho VAMC trong khi cơ chế định giá các khoản nợ xấu chưa có các hành lang pháp lý minh bạch. 

Theo ADB, khi NH bán nợ xấu cho VAMC, nợ xấu được chuyển sang VAMC đồng thời với việc chuyển tài sản thế chấp của các khoản nợ đó. Với tài sản là bất động sản thì liên quan đến luật Đất đai. Nếu một doanh nghiệp phá sản thì đất phải trả lại cho nhà nước, nên vấn đề đặt ra hiện nay là luật Đất đai đang được sửa đổi có được xử lý vấn đề này không?

ADB cũng khuyến cáo nếu việc hạ lãi suất tiếp được thực hiện mà không kèm xử lý nợ xấu có thể gây ra bất ổn. Cốt lõi của việc giải quyết nợ xấu liên quan đến khối DNNN. Đáng tiếc là VN chưa đạt được tiến độ cần thiết trong việc tái cơ cấu DNNN. VN cần có quyết tâm chính trị để đẩy nhanh quá trình cải cách DNNN và khu vực tài chính.

Tăng trưởng GDP của VN được ADB dự báo sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,5% trong năm 2014. Dự báo về lạm phát được ADB điều chỉnh giảm xuống còn 6,5% (2013), do giá lương thực đã giảm nhanh hơn dự kiến. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên khoảng 7,2% vào năm 2014, do chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn vốn khả dụng tăng.  

Kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Đó là đánh giá của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam về kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2013 vừa được công bố ngày hôm qua 2.10.

Ví Việt Nam như "con hổ kế tiếp của châu Á" hiện vẫn chưa “giương oai”, tuy nhiên theo HSBC, giờ đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Trong khi chỉ số tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay vẫn còn ở mức 5,1% (chỉ tiêu năm 2013 là 5,5%) nhưng điều này vẫn được xem là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh quá trình cắt giảm nợ đang diễn ra và giá cả hàng hóa toàn cầu thấp dẫn đến xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam đi xuống. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Mặc dù lạm phát trong tháng 9 đã tăng hơn 1% so với tháng trước nhưng theo HSBC, dường như đó vẫn không phải là vấn đề chính yếu khi Chính phủ đang rất thận trọng trong việc kiềm chế áp lực lạm phát.

Ngân hàng này cũng kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần phải thực hiện những chính sách cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vốn đang thấp hơn các nước láng giềng như Thái Lan. Đây là hai mắt xích yếu nhất trong việc thu hút đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của quốc gia.   

Anh Vũ

Trường Sơn

>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tái cơ cấu có lợi hơn cho phá sản
>> Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Tập trung thực hiện các nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.