Doanh nghiệp đầu tư bất động sản du lịch để hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị
Theo ông Lê Viết Hải, để có giải pháp hiệu quả, cần xác định chính xác nguyên nhân gốc. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng hiện nay là do đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine. Ông Hải phân tích, trước đó Bộ Chính trị ra Nghị quyết 08 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Sau khi Nghị quyết ra đời, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) chuyển hướng từ đầu tư BĐS đô thị sang BĐS du lịch để ủng hộ nghị quyết của Trung ương. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Trung ương nên được các DN ủng hộ nhiệt tình nhưng chúng ta thiếu may mắn vì toàn cầu bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự. Trong 3 năm liên tiếp 2021, 2022 và 2023 ,ngành du lịch tăng trưởng âm, lần lượt là 79 - 99 và 80%. Đây là biến cố rất lớn và không ai lường trước được.
"Khi phát triển một lĩnh vực mới, những năm đầu tiên rất quan trọng nhưng nó lại vướng vào đại dịch. Khách hàng của Hòa Bình đều là những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng vướng vào tình trạng đó như: Sun Group, Vin Group, Hưng Thịnh… Chúng ta cần xác định phải hỗ trợ, giúp đỡ các DN BĐS nói chung và DN BĐS du lịch nói riêng. Hầu hết các DN có hệ thống quản lý và phát triển BĐS rất tốt. Làm 1 cái nhà đã rất khó, nay một DN làm ra cả ngàn căn là sự đóng góp rất lớn cho xã hội, cho nền kinh tế, nếu để họ khó khăn đến mất thanh khoản là rất đáng tiếc và lãng phí nguồn lực của đất nước" - ông Hải nhấn mạnh.
"Tôi cho rằng, việc huy động vốn trái phiếu trả nợ của một số DN có sai nhưng có nguyên nhân khách quan là vốn bị chôn trong việc đầu tư BĐS du lịch. Xét ra, DN rất khó cân đối được nợ và nguồn thu có thể trả nợ được dù đã giảm giá rất sâu vẫn không thể tiêu thụ được sản phẩm của mình. Đây là nguyên dân khiến toàn ngành đổ vỡ", ông Hải nêu quan điểm.
Theo người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, BĐS có đóng góp quan trọng trong thời gian trước đó chỉ bắt đầu gặp khó từ năm 2022. Các nghiên cứu báo cáo sâu năng suất lao động cao gấp 10 lần năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế. Vì thế, chúng ta cần có một thái độ phù hợp với DN ngành BĐS.
Ông Hải nhấn mạnh: "Tôi cũng đồng ý với một số chuyên gia là cần phải xử lý thật nhanh chóng tính pháp lý cho các dự án BĐS. Nếu tính thuế thấp một chút cũng không có vấn đề gì vì sau đó chúng ta có thể thu lại ở chỗ khác. Làm chậm trong khâu thủ tục pháp lý sẽ ảnh hưởng trì trệ của toàn ngành kinh tế".
Hướng đến xuất khẩu xây dựng
Với vai trò nhà thầu lớn, ông Hải cho rằng có một điều rất đáng tiếc là BĐS khó khăn nên các DN xây dựng, vật liệu xây dựng và nhiều ngành nghề khác cũng gặp khó khăn… Theo Nghị quyết 02, thời gian cơ cấu nợ 12 tháng sẽ không giải quyết được vấn đề mà cần ít nhất tới 24 tháng.
Ở góc độ toàn cầu, xây dựng Việt Nam có năng lực cạnh tranh quốc tế rất cao. Tại thị trường nội địa, nhà thầu trong nước đã thay thế được các nhà thầu nước ngoài, điều này giúp cho cả nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn so với nhiều nước khác trong khu vực. Không chỉ thế, xây dựng Việt Nam còn có khả năng xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài. Nếu không để phát triển BĐS, phát triển ngành xây dựng thì sẽ bỏ lỡ cơ hội quan trọng này.
"Hiện nay, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với các DN đến từ Mỹ. Họ cho biết ngay tại Mỹ, trước đây các nhà thầu Trung Quốc làm ăn rất tốt ở thị trường này với doanh thu 30 tỉ USD doanh thu/năm. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu Trung Quốc không thể phát triển ở thị trường Mỹ vì các chính sách của Mỹ không khuyến khích hoạt động của nhà thầu Trung Quốc; riêng việc xin visa cho lao động phải mất đến 4 năm. Các nhà đầu tư Mỹ đang mong muốn sự tham gia thị trường của các nhà thầu từ Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn để phát triển ngành xây dựng Việt Nam", ông Hải cho biết.
Chuyên gia kinh tế Trần Du lịch: ‘Hết quý 1 thị trường bất động sản ấm dần’
Bình luận (0)