'Du học tại chỗ' 4+0 vì sao vẫn 'hot' sau đại dịch Covid-19?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/03/2023 11:04 GMT+7

Hiện đang có một số hình thức liên kết đào tạo phổ biến là mô hình 2+2 hay 3+1. Đặc biệt trong thời gian gần đây, còn có liên kết đào tạo theo hình thức 'du học tại chỗ' 4+0, mô hình này vẫn đang có sức nóng sau dịch Covid-19. Vì sao?

'Du học tại chỗ' 4+0 vì sao vẫn 'hot' sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

"Du học tại chỗ" 4+0 đang có sức hút sau dịch Covid-19

NGỌC LONG

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã có nhiều chia sẻ về hợp tác quốc tế ở các trường ĐH tại kỳ họp toàn thể Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tổng kết hoạt động năm 2022 vừa diễn ra chiều qua, 4.3.

Cạnh tranh cao với sinh viên du học nước ngoài về Việt Nam

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy cho biết quốc tế hóa chương trình đào tạo là xu thế tất yếu trong giáo dục ĐH ngày nay với các hình thức liên kết, hợp tác đào tạo ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa.

Bà Thúy dẫn ra một số hình thức liên kết đào tạo phổ biến là mô hình đào tạo 2+2 (2 năm học ở Việt Nam + 2 năm học ở trường đối tác) hay 3+1 (3 năm học ở Việt Nam + 1 năm học ở trường đối tác)...

"Đặc biệt, trong thời gian gần đây, mô hình liên kết đào tạo theo hình thức 4+0, còn được biết đến với những cách gọi khác nhau như "hợp tác franchise", "hợp tác nhượng quyền" được một số trường đại học tại Việt Nam quan tâm thực hiện. Với mô hình hợp tác này, toàn bộ chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài sẽ được chuyển giao cho đối tác tại Việt Nam quản lý và triển khai thực hiện", bà Thúy cho biết.

'Du học tại chỗ' 4+0 vì sao vẫn 'hot' sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu tại kỳ họp

NHẬT THỊNH

Nếu so với các hình thức liên kết đào tạo phổ biến trước đây như 2+2, 3+1 thì mô hình 4+0 có gì ưu điểm hơn?

Bà Thúy chỉ ra những lợi thế của "du học tại chỗ" 4+0 như chất lượng đào tạo được đảm bảo với hệ thống quy mô đào tạo bài bản và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trường đối tác. Trường ĐH tại Việt Nam sẽ tận dụng được chương trình đào tạo, hệ thống học liệu cùng quy trình kiểm tra đánh giá đã được chuẩn hóa từ trường đối tác mang áp dụng vào môi trường học tập thực tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên Việt Nam sẽ được tuyển dụng tuyển chọn trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của trường đối tác, tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế.

"Quan trọng hơn cả là sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội được "du học tại chỗ" với chi phí hợp lý trong khi vẫn được trực tiếp trải nghiệm chương trình đào tạo và dịch vụ hỗ trợ chuẩn quốc tế từ trường đối tác nước ngoài với sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên giỏi do trường đối tác đánh giá và thẩm định, được sử dụng giáo trình, tài liệu và các điều kiện học tập tối ưu khác tương đương với tiêu chuẩn của trường đối tác quốc tế ngay tại Việt Nam", PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy nói.

Đáng chú ý, theo bà Thúy còn một ưu điểm nổi bật khác mà chương trình "du học tại chỗ" theo hình thức 4+0 mang lại cho sinh viên chính là khả năng cạnh tranh cao so với sinh viên đi du học nước ngoài quay trở về làm việc tại Việt Nam. Khi học chương trình quốc tế tại ngay Việt Nam, được kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam thì sinh viên học chương trình 4+0 tiếp cận thực tế môi trường việc làm nội địa, am hiểu sâu sắc văn hóa doanh nghiệp, văn hóa địa phương...

'Du học tại chỗ' 4+0 vì sao vẫn 'hot' sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Kỳ họp có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các trường đại học tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

'Du học tại chỗ' 4+0 vì sao vẫn 'hot' sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 4.

TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, phát biểu tại kỳ họp

NHẬT THỊNH

Sau đại dịch Covid-19, 4+0 càng bùng nổ

Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết mô hình liên kết đào tạo theo hình thức 4+0 này càng được quan tâm nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Hàng loạt các trường ĐH từ các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, châu Âu... liên tục triển khai các chiến dịch "Go Global" - xuất khẩu chương trình đào tạo ra khỏi biên giới quốc gia, chứ không chỉ "ngồi yên chờ sinh viên quốc tế đến".

Đồng thời, bà Thúy chỉ ra, TP.HCM là nơi tập trung rất nhiều trường ĐH, phần lớn các trường đều có quy mô lớn (với số lượng sinh viên hơn 4.000). TP.HCM còn nhiều dư địa, tiềm năng để trở thành "thành phố du học" - nơi có các trường đại học cung cấp những chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và thu hút không chỉ sinh viên trong nước mà còn đông đảo sinh viên nước ngoài đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á đến du học...

Kỳ họp toàn thể Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tổng kết hoạt động năm 2022 vừa diễn ra chiều qua cũng cho biết TP.HCM đang triển khai đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành - cốt lõi của đào tạo nhân lực ở TP.HCM. Đồng thời Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM cũng đang xây dựng đề án TP.HCM thành trung tâm đào tạo quốc tế - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam bộ. Sau đó có Nghị quyết 31 về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM, trong đó có nói mục tiêu đến năm 2025 - 2030 - 2045 cho Đông Nam bộ, cho TP.HCM, định vị TP.HCM trong Đông Nam bộ, trong cả nước. Đặc biệt Nghị quyết 31 còn chỉ ra TP.HCM có vai trò là TP hội nhập quốc tế, cạnh tranh quốc tế so với các TP khác trong khu vực châu Á và thế giới.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.