Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tuyển sinh ĐH tác động trực tiếp ít nhất 5% dân số

Quý Hiên
Quý Hiên
03/03/2023 13:32 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc tuyển sinh ĐH hàng năm tác động trực tiếp, hệ trọng tới ít nhất khoảng 5% dân số, vì nó là một trong những yếu tố quyết định tương lai của đất nước, của toàn xã hội.

Hôm nay 3.3, tại Trường ĐH VinUni, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh ĐH 2023. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm của toàn ngành và là chủ thể quan tâm của toàn xã hội.

Việc tuyển sinh ĐH, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, lớp 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tuyển sinh ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 5% dân số - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc tuyển sinh ĐH hàng năm tác động trực tiếp, hệ trọng tới ít nhất khoảng 5% dân số

MINH MINH

Học sinh và gia đình mong muốn đạt sự lựa chọn tốt nhất, sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch. Thầy, cô giáo thì mong muốn học trò của mình, lớp học của mình có nhiều em đỗ đạt vào các trường top trên. Các nhà trường và địa phương đều mong muốn tỷ lệ cao học sinh của mình trúng tuyển vào ĐH, cao đẳng.

Trường ĐH mong muốn tuyển được nhiều sinh viên giỏi, vào đủ chỉ tiêu các ngành học, bởi vì, khả năng thu hút thí sinh vào học trước hết cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường ĐH. Nhìn ngược lại, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng lại là một yếu tố then chốt tác động tới chất lượng đầu ra của sinh viên, cũng góp phần làm tăng hay giảm uy tín của một trường ĐH.

Kết quả tuyển sinh là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường ĐH. Tuyển sinh tốt sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường, và có được hiệu quả hoạt động tốt, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học và cho xã hội.

Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, các ngành nghề được các sinh viên lựa chọn sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, cùng với phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Vì thế, việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai, không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường ĐH mà là "sân chơi" chung của các trường ĐH trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục ĐH.

Các trường ĐH xây dựng các phương thức xét tuyển khác nhau, tổ chức các hình thức thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu, xây dựng tiêu chí xét tuyển, công bố điều kiện, phương thức xét tuyển và phối hợp với nhau xét tuyển chung trong hệ thống, để bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học.

"Hàng năm, Bộ GD-ĐT phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cùng với văn bản hướng dẫn, điều phối chung của hệ thống. Không những thế, Bộ GD-ĐT rất quan tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Bên cạnh mục tiêu đánh giá việc dạy và học của các trường THPT, xét quá trình học tập và tốt nghiệp của các em học sinh phổ thông còn để lấy căn cứ cho các trường ĐH, cao đẳng xét tuyển", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.