Cần đối sách mới trước hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông

03/04/2016 15:29 GMT+7

Hoạt động quân sự hóa ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đòi hỏi các bên phải nhanh chóng đưa ra các đối sách mới và hiệu quả hơn.

Hoạt động quân sự hóa ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đòi hỏi các bên phải nhanh chóng đưa ra các đối sách mới và hiệu quả hơn.
 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: CSIS/Reuters
Hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: CSIS/Reuters
Đó là ý kiến của hầu hết các học giả trẻ Việt Nam và các chuyên gia quốc tế tham gia Hội thảo Biển Đông với chủ đề “Sự quân sự hóa trên Biển Đông và những tác động đối với hòa bình và an ninh khu vực”, do Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức vào tối 2.4 và rạng sáng 3.4 (theo giờ Việt Nam).
Cách tiếp cận hiện nay không hiệu quả
Những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành chủ đề được các học giả hết sức quan tâm, từ việc không ngừng mở rộng việc lấn chiếm và cải tạo đất, biến các thực thể thành đảo nhân tạo cho đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các thiết bị quân sự. Những hoạt động này thể hiện rõ sự quân sự hóa của Trung Quốc.
Tại hội thảo, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, thành viên Ban Chủ tịch Sumitro – Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) đã khái quát tình hình bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại: Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Su Bi, Giaven, Tư Nghĩa và Gạc Ma. Các số liệu mà ông Poling cung cấp cho thấy Bắc Kinh đã mở rộng rất nhanh và quy mô ngày càng lớn.
Khi so sánh những đường băng và những hình ảnh chụp vệ tinh các cơ sở đã được xây dựng trên Biển Đông, chuyên gia Mỹ cho rằng đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Chữ Thập với chiều dài 3.000 mét, đủ để phục vụ cho các máy bay quân sự, trong đó có máy bay ném bom. Điều này thật sự gây lo ngại cho an ninh khu vực.
Ông Poling nhận định: “Chúng ta sẽ sớm nhìn thấy thêm nhiều hành động quân sự hóa từ phía Trung Quốc; không chỉ quân đội mà cả máy bay, tàu thuyền và ra đa quân sự. Và sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với viễn cảnh Trung Quốc áp đảo về quân sự ở Biển Đông”.
Mỹ đã tiến hành tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, động thái được cho là nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Chuyên gia quân sự Harry Kazianis, Tổng biên tập trang tin của chuyên san The National Interest cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, trong đó đề cập tới tính toán lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trước những động thái không có dấu hiệu dừng lại của Trung Quốc, các học giả và chuyên gia đều cho rằng cách tiếp cận hiện nay của các nước, đặc biệt là Mỹ không hiệu quả.
Học giả trẻ Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tại Đại học Brandeis lý giải, cách tiếp cận hiện nay không những không khiến Trung Quốc dừng hoạt động cải tạo đất mà còn thể hiện sự quân sự hóa với quy mô chưa từ trước đến nay trên Biển Đông. Ngô Di Lân chia sẻ với Thanh Niên rằng, chính bởi cách tiếp cận thiếu hiệu quả nên dẫn đến việc Trung Quốc  vẫn tiếp tục giữ lập trường cứng rắn ở Biển Đông và vẫn tiếp tục chiến lược bành trướng của mình.
Cần đối sách mới
Đã đến lúc Mỹ và các bên liên quan cần những cách tiếp cận mới, những hướng đi mới để có những giải pháp mang lại sự hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Chuyên gia Harry Kazianis đề xuất chiến lược gồm 6 điểm nhằm dừng hẳn các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, với vai trò quan trọng của Mỹ. Điểm đầu tiên trong chiến lược mà ông Kazianis đề xuất là kích thích “chiến tranh pháp lý” với nội dung làm mọi cách để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Thứ hai là nêu rõ “cuộc chiến xấu hổ”. Với điểm này, các nước khi bị Trung Quốc ức hiếp, cần đưa lên truyền thông xã hội. Như vậy những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được cả thế giới biết đến. Lúc này dư luận thế giới sẽ chiến thắng và khiến Trung Quốc phải xấu hổ.
Điểm thứ ba trong chiến lược này là chuyển hướng khả năng “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực”(A2/AD) chống lại Trung Quốc. Cụ thể, các nước lớn nên bán vũ khí cho các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines...
Tiếp theo, theo ông Kazianis, các nước có thể dùng đối sách “hòa bình xanh”, nghĩa là khiến Trung Quốc phải "xấu hổ" vì những hành động gây hủy hoại môi trường biển một cách nghiêm trọng. Một bước nữa trong chiến lược ông Kazianis đề xuất là các nước không cần tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Và cuối cùng, chuyên gia Mỹ cho rằng Washington nên xem lại quan hệ kinh tế với Bắc Kinh bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc vốn bắt nguồn từ kinh tế. Do đó, mối quan hệ kinh tế thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra giải pháp để chống lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Ông Kazianis nhận định, Trung Quốc thậm chí có thể thâu tóm Biển Đông trong một vài năm nữa nên Mỹ và các nước cần phải hành động ngay bây giờ.
Học giả trẻ Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Đại học Brandeis (Mỹ) - Ảnh: Facebook nhân vật
Trong khi đó, học giả trẻ Ngô Di Lân lại đề xuất một hướng khác: "Sanctioning to deter: A new approach in the South China Sea is needed" (Trừng phạt để răn đe: cần một cách tiếp cận mới ở Biển Đông). Đây là nhan đề một bài viết mà Ngô Di Lân và Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế) thực hiện.
Theo Ngô Di Lân, trong vấn đề Biển Đông, hiện nay cần một chiến lược mới, gọi là "Phản ứng linh hoạt" (Flexible response). Chiến lược này có 4 đặc điểm chính gồm: tức thời (immediate), độc lập (discrete),  chọn lọc (targeted) và cân đối (proportionate). Mục tiêu chính của chiến lược này là gia tăng chi phí cho mọi hành động của Trung Quốc nhằm gây căng thẳng hay phức tạp hóa tranh chấp ở Biển Đông, từ đó thay đổi tính toán chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực.
Với hướng tiếp cận này, học giả trẻ Ngô Di Lân cho rằng các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc sẽ phải trả giá tức thời và đây sẽ là những thông điệp rất rõ ràng và kiên quyết gửi tới Trung Quốc. Đồng thời, chiến lược này sẽ tạo pháp lý cho những phản ứng mạnh hơn đối với Trung Quốc. Chiến lược học giả trẻ này đề xuất có thể tiến hành đơn phương hoặc đa phương.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Đỗ Anh Tuấn, trưởng nhóm tổ chức Hội thảo (Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Mỹ) cho rằng với các phân tích, bình luận từ  các góc độ địa chính trị, lịch sử, luật pháp, quân sự, quan hệ quốc tế của các chuyên gia sẽ giúp dư luận nói chung, sinh viên nói riêng, hiểu biết sâu hơn về tình hình Biển Đông trong bối cảnh hiện nay. Theo anh Tuấn, sinh viên Việt Nam ở Mỹ, cũng giống như thanh niên, sinh viên ở Việt Nam hiện nay, có quan tâm đến chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, sự hiểu biết của giới trẻ về chủ quyền và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông còn chưa rõ và đầy đủ.  


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.