Theo các nhà nghiên cứu, đối thoại và hợp tác, sẽ tạo ra đủ cơ hội cho tất cả các bên liên quan tới tranh chấp Biển Đông giải quyết các vấn đề nan giải một cách hòa bình. Tất cả các bên phải đồng tình và thực hiện COC, thượng tôn luật pháp quốc tế.
Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông đã diễn ra trong hai ngày - Ảnh: Nguyễn Long |
Sau hai ngày làm việc, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia VN (VLA) tổ chức đã kết thúc chiều 24.11.
Điểm mới của hội thảo Biển Đông lần này là sự ra đời của nhóm nghiên cứu trẻ. Tuổi đời dưới 35, đang trong giai đoạn nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ cùng quan tâm đến đề tài tranh chấp Biển Đông là điểm chung của nhóm này.
Ra mắt nhóm nghiên cứu trẻ
Đến từ 9 quốc gia khác nhau, mục tiêu của nhóm là những sáng kiến giúp tăng cường hợp tác tại Biển Đông; tạo ra một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu trẻ nhằm phát triển các nghiên cứu liên quan về Biển Đông; thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia và qua nhiều phương thức. Các đại diện của nhóm nghiên cứu trẻ về Biển Đông kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan trong tranh chấp Biển Đông có thể kiềm chế và đưa ra các động thái nhằm giảm nguy cơ xung đột trên ranh giới biển của khu vực.
|
Việc phát triển mạng lưới nghiên cứu về Biển Đông với thành phần các bạn trẻ sẽ là một bước quan trọng.
Thông qua tiếp xúc và tương tác đều có thể thúc đẩy hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau tại mỗi quốc gia, để hướng đến tương lai tranh chấp Biển Đông có thể được giải quyết triệt để.
Quá trình tái cân bằng của Mỹ quá chậm ?
Thay đổi các tính toán của Trung Quốc tại Biển Đông là biện pháp Mỹ đang và sẽ làm trong thời gian sắp tới. Đó là nhận định của tiến sĩ Patrick Cronin, cố vấn cao cấp - Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Tân Mỹ, tại tọa đàm diễn ra chiều 24.11 do Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng quá trình tái cân bằng của Mỹ diễn ra quá chậm hay cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ có ảnh hưởng lớn. Điều này được chứng minh trong trường hợp Trung Quốc chiếm cứ bãi cạn Scarborough của Philippines. Tương tự, khi Trung Quốc gia tăng các hành động cải tạo hạ tầng vào đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Obama đã lưỡng lự rất lâu mới có trả lời cụ thể.
Không đồng tình với ý kiến đó, TS Cronin cho rằng Mỹ có thể bù đắp việc cắt giảm hải quân thông qua việc hiện diện ở Biển Đông thông qua nhiều cách thức khác nhau. Một cách tiếp cận toàn diện vừa ngoại giao, kinh tế, chính trị và cả an ninh quốc phòng là cần thiết cho tình hình Biển Đông.
Đó là lý do để quan ngại, nhưng không phải là lý do để lo ngại hay e dè nếu có một bên cố tình dùng các biện pháp “ép buộc” bằng vũ lực để giải quyết tranh chấp bất chấp luật pháp quốc tế. Đến thời điểm mà các ngôn từ ngoại giao không thể thuyết phục hay ngăn chặn Trung Quốc, thì sức mạnh phải có tiếng nói. Tàu chiến và máy bay tuần tra của Mỹ đã bay ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tạo nên. Áp dụng quyền tự do hàng hải và triển khai các chuyến bay do thám không nhắm vào Trung Quốc mà thay vào đó là nhấn mạnh luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của khu vực - vốn cũng có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Ngoài ra, Washington có thể hợp tác với Bắc Kinh khi lợi ích chung cùng hướng về việc thúc đẩy ổn định, luật hóa, giao thông và thương mại.
Ông Cronin nhấn mạnh trong dài hạn, Mỹ cần hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực. “Nếu chúng ta không đảm bảo các nguyên tắc của mình từ vị thế sức mạnh, Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Mỹ nên làm việc cùng các đồng minh và đối tác để ngăn chặn năng lực chống tiếp cận/chống kiềm chế và thúc đẩy công nghệ để phát triển các khái niệm hoạt động mới”, theo ông Cronin.
Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines đang đi vào một giai đoạn đặc biệt. Một mặt việc tòa án quốc tế đang đưa ra các phán quyết về thẩm quyền. Mặt khác những động thái của Trung Quốc với Philippines mà gần đây nhất là bên lề Hội nghị APEC với cuộc gặp song phương giữa ông Tập Cận Bình và ông Aquino hứa hẹn “tan băng” trong mối quan hệ song phương này. Từ Manila, GS Aileen Pablo-Baviera từ Trung tâm châu Á (Đại học Philippines) đưa ra nhận định:
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có chỉ dấu cho thấy bất kỳ sự đột phá quan trọng nào trong chuyến tham dự APEC của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trong chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị trước đó, hai nước đã có thỏa thuận bảo lưu đối thoại song phương ở cấp ngoại trưởng.
Cùng lộ trình, hai buổi tọa đàm giữa các quan chức địa phương hai bên cũng diễn ra trong cùng tuần đó, cho nên đó có thể là những dấu hiệu hy vọng về một sự tan băng đáng chú ý trong nhiều mặt khác của quan hệ. Nhưng điều này hoàn toàn độc lập với phán quyết của Tòa Trọng tài đang diễn ra.
|
Lãnh đạo Đài Loan sắp đến Trường Sa?
Tờ Apple Daily ngày 24.11 đưa tin vào ngày 12.12, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ đặt chân lên Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng hiện bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp.
Tờ báo Đài Loan này còn dẫn một số nguồn tin an ninh cho hay ông Mã cùng đoàn tùy tùng sẽ đến Ba Bình bằng máy bay vận tải quân sự C-130H. Một số nhà báo, gồm cả những người đến từ các tờ báo phương Tây, sẽ tháp tùng đưa tin về chuyến thăm phi pháp sắp tới của ông Mã.
Khi được yêu cầu xác nhận thông tin trên, Văn phòng lãnh đạo Đài Loan hôm 24.11 khẳng định không loại trừ khả năng ông Mã sẽ đến Ba Bình, nhưng ngày đi chưa được quyết định, theo Hãng thông tấn CNA. Nếu chuyến thăm trên diễn ra theo kế hoạch, ông Mã sẽ trở thành lãnh đạo Đài Loan thứ 2 ngang nhiên đặt chân lên Ba Bình sau chuyến đi của người tiền nhiệm Trần Thủy Biển vào năm 2008.
Cũng theo Apple Daily, ông Mã sẽ dự lễ khánh thành một cầu cảng ở Ba Bình nếu công trình phi pháp này hoàn thành đúng thời hạn.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)