Cần gấp lắm rồi!

12/10/2018 05:24 GMT+7

Chúng ta đã nói bao nhiêu lần rồi, nói công khai trên mặt báo, truyền hình về những chuyện đáng xấu hổ mà một nhóm nhỏ người bán hàng rong bất lương làm xấu hổ quốc gia?

Nói thì đã nói không ít lần rồi, và nói từ lâu rồi. Nhưng dường như vẫn thế mà thôi.
Tưởng tượng đi, giữa cái thời mà chỉ với một cú bấm máy điện thoại thôi thì thế giới đều có thể dễ dàng chia sẻ toàn cầu những trải nghiệm du lịch nơi họ đến, thì mới đây thôi vẫn có mấy người đánh giày ở ngay trung tâm TP.HCM bày trò đánh giày kiểu trấn lột du khách. Là bày trò ngồi bệt xuống đất, cầm bàn chải chà chà mấy cái lên giày du khách đang mang trong chân, rồi lột luôn giày của khách ra mà bất kể khách có đồng ý hay không. Sau đó là kéo một đám người tới gây áp lực đòi vài trăm ngàn tiền công đánh giày. Như thể là ăn cướp của du khách vậy.
Những chuyện như thế mà chia sẻ lên mạng thì du lịch VN làm bao nhiêu sự kiện truyền thông danh giá để bù lại?
Xin đừng từ một trò ăn cướp của những tên đánh giày bất lương, những kẻ bán dừa chẹt tiền du khách mà chụp mũ quy kết điều xấu xa cho những người đánh giày lương thiện, những người bán hàng rong lương thiện. Xã hội nào, ở bất kỳ đâu, thì khả năng xuất hiện những kẻ lưu manh lừa lọc là chuyện có lạ gì.
Nhưng nên lạ một điều, là ngay ở những con đường tiêu biểu của du lịch TP.HCM mà những kẻ đánh giày, bán dừa…lại có thể táo tợn bày trò lưu manh không phải một lần để lấy tiền của du khách như thế mà cơ quan chức năng không ngăn chặn được thì lạ quá.
Thực tế hệ thống camera an ninh, giao thông ít nhất là ở những khu vực du lịch tiêu biểu của thành phố không đến nỗi thiếu, nhưng liệu đã có cơ quan chức năng nào theo dõi, trích xuất hình ảnh để xử lý? Đó là chưa nói đến chuyện cần tiếp tục tăng cường lắp camera để tăng mức độ giám sát trật tự an ninh, ngăn chặn hiệu quả hơn những trò sắp đặt lừa đảo du khách.
Chúng ta đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở đối với công tác đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Sự phối hợp, quản lý địa bàn của công an cấp quận, phường, cảnh sát khu vực… không thể nói là không biết, hay không thể phát hiện.
TP.HCM có thể chưa có điều kiện để thực hiện quyết tâm văn minh đô thị kiểu không bán hàng rong, không đánh giày, không bán vé số. Nhưng TP.HCM tuyệt nhiên không thể kém quyết tâm trong việc đảm bảo những người bán hàng rong, đánh giày, bán vé số biết giữ mình trong khuôn khổ của hành xử lương thiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền.
Nếu không, cái ám ảnh “một đi không trở lại” sẽ mãi là cái dớp đáng xấu hổ của du lịch VN. Du khách chẳng thể nào đủ niềm tin để trở lại nơi mà những kẻ lưu manh đường phố có thể ngang nhiên bày trò táo tợn với du khách mà không phải sợ điều gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.