Thảm họa karaoke

09/10/2018 04:58 GMT+7

Gõ một cụm từ khóa như “nhắc nhở hát karaoke ” lên công cụ tìm kiếm Google, kết quả trả về là những vụ án “không tưởng”, kiểu như hàng xóm truy sát nhau, chồng tạt xăng đốt vợ chỉ vì bị nhắc nhở hát karaoke làm phiền…

Mới đây nhất là vụ ở Thuận An (Bình Dương), một thầy giáo qua nhà hàng xóm nhắc nhở hát karaoke quá to bị đâm chết.
Nghĩa là cái cảnh tra tấn hàng xóm bằng âm thanh karaoke khủng có nguy cơ trở thành một vấn nạn buộc người Việt phải trả giá đắt bằng tính mạng con người chứ chẳng phải chuyện mâu thuẫn lặt vặt nữa rồi.
Karaoke, được phát minh vào năm 1971 ở Nhật Bản, trở nên phổ biến trong đời sống giải trí của con người từ những năm cuối thập niên 1980 nhờ những đổi mới công nghệ biến karaoke thành dàn karaoke di động, được khai thác kinh doanh và sử dụng khá nhiều trong sinh hoạt gia đình.
Karaoke được tổ chức thành tụ điểm giải trí chuyên nghiệp, được kiểm soát về cách âm. Nhưng ở nhiều nhà hàng, gia đình… karaoke như thể một dịch vụ di động. Nhà nào muốn thì cũng có thể liên hệ dịch vụ âm thanh, kéo dàn karaoke loa khủng đến phục vụ vô tư, bất chấp các yêu cầu về cách âm để không làm phiền cộng đồng. Thậm chí bây giờ có cả micro kiêm loa mini nhưng âm thanh chẳng mini chút nào xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm.
Xét riêng trong đời sống gia đình, karaoke giữ một vai trò khá thú vị trong việc tạo cơ hội giao tiếp cho các thành viên trong gia đình qua việc ca hát. Vai trò này rất quan trọng trong một giai đoạn mà khoảng cách thế hệ và sự tan vỡ gia đình thật sự là một vấn đề xã hội. Nhưng trong đời sống gia đình, karaoke gây ra một vấn đề nan giải về quan hệ cộng đồng. Những điều kiện cách âm tại gia khó lòng đảm bảo để không làm phiền hàng xóm khi một gia đình nào đó mở dàn karaoke.
Đó là nói trong giả định người hát karaoke tại gia có ý thức cách âm, không làm phiền hàng xóm. Đằng này, nhiều người Việt không tự nhận thấy mình có nghĩa vụ xử lý cách âm khi hát karaoke tại gia. Tệ hơn, họ sẵn sàng kéo loa “kẹo kéo” hướng ra cửa để bắt hàng xóm thưởng thức âm nhạc cưỡng bức với cường độ chắc phải gấp vài lần quy định giới hạn 70 dB.
Thế là hàng vài giờ tra tấn hàng xóm bằng âm thanh karaoke khủng là chuyện thường. Mà ai nhắc là chửi, chém, truy sát…
Thế là chuyện hát ca giải trí trở thành thảm họa ứng xử - thứ ứng xử ích kỷ đến tồi tệ, chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà bất chấp phiền hà đến người khác. Một vài quốc gia trên thế giới đang giữ những kỷ lục thú vị về karaoke như Phần Lan phá kỷ lục thế giới 80.000 người cùng hát karaoke một lần, Hungary giữ kỷ lục về thời gian hát karaoke lâu nhất (1.011 giờ 1 phút). Còn VN chắc đang âm thầm giữ kỷ lục về số vụ án đánh nhau, giết người liên quan đến nhắc nhở hát karaoke.
Chính quyền phải vào cuộc gấp rút đi thôi, với luật, với quy định, với xử phạt để điều chỉnh một thứ quá xấu xí trong văn hóa giải trí karaoke của người Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.