Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vào ngày 11.11 tại diễn đàn Quốc hội, liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời: “Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Ngay sau đó, hàng loạt vấn đề đã được đặt ra như: Quản lý dạy thêm, học thêm sao cho hiệu quả? Dạy thêm, học thêm liệu có khiến học sinh (HS) càng thêm quá tải không? Học thêm có là nhu cầu? Dạy thêm có làm thầy cô “lạc lối”?... Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng trong vấn đề này, ngành giáo dục chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề. “Rất nhiều giáo viên (GV) coi dạy thêm như một việc mưu sinh”, đại biểu Long nói và đề nghị nên giải quyết việc này một cách thấu đáo vì ngoài ý nghĩa, tác dụng, nhu cầu của phụ huynh, HS còn liên quan đời sống của GV.
Một cơ sở dạy thêm cho học sinh tiểu học tại TP.HCM trước dịch Covid-19 |
NGUYỄN LOAN |
Quy định chi tiết để tránh tiêu cực
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình cần có những văn bản quy định chi tiết, cụ thể hơn về dạy thêm, học thêm bởi đây là một nhu cầu thật sự của xã hội; đồng thời ngành giáo dục cũng phải có những thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. BĐ Thủy Phạm bày tỏ: “Việc cho con em học thêm là mong muốn của phụ huynh. Ai cũng muốn con mình phải nắm vững, mở mang kiến thức. Việc này đâu có gì là xấu nhưng ở đây là cái tâm của người dạy. Tôi đã nhìn thấy cảnh GV với đồng lương thấp, từ đó nảy sinh việc dạy thêm. Lớp học thêm mà GV cứ nơm nớp lo bị canh bắt, HS và phụ huynh chạy tán loạn như ong vỡ tổ khi bị kiểm tra, thật đau lòng... Các ngành nghề khác được làm thêm, còn GV thì không được. Có bất công không?”.
BĐ Nhụy Kiều cho rằng nếu không được “luật hóa” và hướng dẫn cụ thể, chi tiết, học thêm, dạy thêm sẽ trở nên mập mờ rồi nảy sinh tiêu cực. “Dạy học là nghề cao quý. Khá nhiều phụ huynh không có đủ kỹ năng, kiến thức dạy được cho con dù là lớp 1, nên ai có nhu cầu thì tìm thầy cô dạy cho con mình, đó là điều chính đáng. Nhưng cũng có tình trạng GV dạy qua loa trên lớp, để rồi HS phải tìm tới mình đóng tiền học thêm, gây bức xúc cho phụ huynh và làm xấu đi hình ảnh ngành giáo dục”, BĐ Nhụy Kiều ý kiến.
Giải pháp phải đồng bộ
BĐ Đoan Trường nêu vấn đề “Tại sao lại cấm học thêm khi con người khao khát kiến thức?” và trả lời: “Muốn học thêm, đương nhiên là có dạy thêm và việc truyền thụ kiến thức chẳng có gì sai trái mà cấm (thậm chí phải khuyến khích). Nhưng vấn đề ở đây là có GV lợi dụng việc này để ép HS của mình học thêm thu tiền”. Từ đó, BĐ này nêu ra các giải pháp: “Thứ nhất, cấm GV dạy thêm cho HS của trường mình đang đứng lớp. Điều này sẽ loại trừ được việc bắt ép HS phải học thêm để thu tiền. Nếu kiểm tra trong lớp học thêm có HS của trường mình đang dạy, lập tức bị kỷ luật. Thứ hai, cuối kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng HS bằng các bộ đề do Sở GD-ĐT đưa ra, việc chấm do GV trường khác đảm nhiệm và đánh giá năng lực GV qua kết quả kiểm tra đó. Chỉ cần làm được 2 việc này, GV trình độ kém sẽ không ép HS đến học thêm để thu tiền được và GV có trình độ sẽ có nhiều HS học thêm; truyền thụ được kiến thức cho nhiều HS hơn. Và đó là thu nhập chính đáng”.
Dạy thêm là quyền lao động của thầy cô. HS học thêm với những thầy cô dạy giỏi là tốt, nhưng cũng xử lý nghiêm những thầy cô dùng điểm số, sự khó khăn... để ép HS học thêm nhằm thu tiền.
Nhụy Kiều
Hơn 20 năm trước, 1 GV (toán, lý, hóa) dạy chính quy thường nhận 2 hoặc 3 lớp. Nếu GV đó dạy giỏi, khi mở lớp học thêm thì thường chỉ bao gồm một số HS có học lực yếu, trung bình trong lớp GV đó dạy chính quy… Ngày nay, 1 lớp 45 HS thì hết 40 HS phải học thêm. Vì sao? Có hay không một số GV trên lớp chỉ “dạy phụ” còn ngoài lớp mới “dạy chính”, nên nếu HS không học thêm thì điểm số sẽ rất thấp…
Thiên Lý
Nếu người thầy có tâm, theo tôi trong thời đại công nghệ hiện nay thì dư sức hướng dẫn các em học trên lớp thậm chí qua không gian mạng. Còn nếu người thầy đã “biến chất”, chỉ coi trọng “dạy thêm bằng mọi cách, đề cao vật chất” thì xin thưa..., họ sẽ tìm đủ mọi cách để “lách luật”.
Võ Chí Thọ
BĐ Nguyễn Thanh Hiệp cũng đưa ra giải pháp để giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm. Theo BĐ này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: “Tinh giản những nội dung không cần thiết; tăng cường giáo dục kỹ năng, dạy học theo định hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học; kiểm tra, đánh giá theo hướng vận dụng kiến thức để tránh tình trạng học vẹt, đánh đố; nâng lương cho đội ngũ GV để đủ sống và có tích lũy; luật hóa quy định GV công lập không được dạy thêm và cuối cùng là việc học thêm chỉ tổ chức ở các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường”.
Bình luận (0)