HẠ LÃI SUẤT, TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN
Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023 đề ngày 17.5, tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã nêu rõ nhiều khó khăn cũng như nguyên nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động, sản xuất", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Cùng với việc nhận diện khó khăn, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra. Ngày 19.5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo về việc thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm thanh khoản và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Cùng đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nghiên cứu giải pháp, có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện, phân loại và thống kê đầy đủ các khoản đã cấp tín dụng để xác định mặt bằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay, làm cơ sở để có giải pháp điều hành phù hợp. "Khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp hiệu quả, khả thi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh", văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG NÉ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, nhất là liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Chính phủ cũng nêu rõ, tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, thông suốt.
Đặc biệt, Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức…
Các giải pháp là rõ ràng, nhiều trong số đó đã được triển khai từ lâu, song vấn đề muôn thuở vẫn nằm ở chỗ làm thế nào để chính sách đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả khi khâu thực thi luôn có vấn đề.
Bình luận (0)