Lăng kính bạn đọc:

Cần hài hòa lợi ích cư dân và nhà nước

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
17/03/2023 05:49 GMT+7

Nhiều bạn đọc tỏ ra lo lắng trước đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi phá dỡ vì còn nhiều điều chưa được làm rõ…

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 17.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo luật Nhà ở sửa đổi do Chính phủ mới trình. Tờ trình của Chính phủ nêu, luật Nhà ở 2014 có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư (NCC) rằng, khi hết thời hạn sử dụng, nếu không còn an toàn thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại NCC. Nhưng thời gian qua, việc phá dỡ, xây dựng lại NCC tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM còn chậm. Một trong các nguyên do là pháp luật nhà ở không có quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư (QSHNCC) nên các chủ sở hữu cho rằng QSHNCC là vĩnh viễn. Các chủ sở hữu không di dời dù nhà đã xuống cấp, mất an toàn nên việc phá dỡ, xây dựng lại NCC chậm triển khai.

Lăng kính bạn đọc: Cần hài hòa lợi ích cư dân và nhà nước  - Ảnh 1.

Người dân sở hữu nhà chung cư bất an với đề xuất chấm dứt quyền sở hữu

LÊ QUÂN

Chính phủ đề xuất, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định sở hữu NCC gồm: căn cứ xác lập QSHNCC và chấm dứt QSHNCC khi nhà thuộc diện phá dỡ do mất an toàn; quy định quyền và trách nhiệm chủ sở hữu sau khi chấm dứt QSHNCC để phá dỡ, xây dựng lại.

Theo tờ trình, nếu bổ sung quy định mới về sở hữu NCC sẽ làm rõ căn cứ xác lập, chấm dứt QSHNCC; các trường hợp phá dỡ NCC; các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu NCC sau khi nhà bị phá dỡ. Cụ thể, các chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng quyền sử dụng đất chung của NCC và đóng góp kinh phí để xây dựng lại NCC. Trường hợp quy hoạch không được tiếp tục xây dựng NCC tại vị trí cũ thì được nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định; chủ sở hữu phải chấp hành quyết định phá dỡ NCC của cơ quan có thẩm quyền...

Tờ trình cũng nêu phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành của luật Nhà ở 2014: Người mua NCC được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài. Theo phương án này, sẽ đảm bảo tính ổn định của chính sách; NCC hết thời hạn sử dụng, phải phá dỡ, xây dựng lại thì người dân được bồi thường theo hệ số từ 1 - 2 lần.

Ai mua nhà không mong ở đến đời con cháu?

Nói về đề xuất chấm dứt QSHNCC khi phá dỡ, bạn đọc (BĐ) 28307 bày tỏ lo lắng: "Người mua nhà Việt Nam thường mong ở lâu dài đến đời con cháu. Do giá nhà đất quá cao so với thu nhập, nên sau khi bị "lấy lại" NCC, họ sẽ ở đâu, liệu có mua nổi nhà mới không?".

BĐ Spy Eye cũng cho biết: "Đã dồn tiền vay mượn tích góp, trả nợ cả đời mới mua được NCC để cho con cháu ở sau này, giờ chấm dứt QSHNCC, chẳng lẽ thế hệ sau phải đi ở thuê à? Thật là nan giải".

BĐ Tuan Tran Minh băn khoăn: "Khi QSHNCC trở nên bất định thì giá nhà liền thổ sẽ tăng, ảnh hưởng lớn đến khả năng sở hữu nhà của nhiều người".

Trong khi đó, BĐ Chính Nguyễn lại cho rằng: "NCC có thời hạn sử dụng, việc sở hữu NCC đương nhiên cũng chỉ có thời gian bằng tuổi thọ của NCC. Cần thống nhất, công khai để người bán, người mua xác định giá NCC cho hợp lý".

Cần có chế độ, chính sách đền bù thỏa đáng

Nhận định về đề xuất của Chính phủ, BĐ Duy Long cho rằng: "Đây là một bước đi hợp lý để phát triển đô thị hiện đại, tuy nhiên nên xem xét thêm về quyền sử dụng đất mà toàn bộ cư dân sở hữu. Nhà nước nên định giá và mua lại tại thời điểm tái thiết NCC cũ vào trong luật. Có như vậy mới hài hòa lợi ích của cư dân và nhà nước".

BĐ Le Trong Dzung thì cho rằng: "Khi mua NCC, người dân đã phải trả tiền mua căn hộ (trong đó bao gồm cả tiền đất). Vì vậy, khi NCC hết thời hạn sử dụng phải phá dỡ, về nguyên tắc chỉ chấm dứt quyền sở hữu của người mua đối với phần xây dựng thôi, còn quyền sở hữu của họ đối với đất vẫn còn. Do đó, khi phá dỡ NCC cũ để xây dựng NCC mới, nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chế độ, chính sách đền bù một cách hài hòa và thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi để cư dân tái định cư tại chỗ, không làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống an cư - lạc nghiệp của cư dân".

"Liên quan đến việc tái thiết NCC thì chỉ quy định thời hạn xây dựng lại NCC. Do vậy, theo tôi, không đánh đồng việc xây dựng lại NCC với việc chấm dứt QSHNCC. Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. NCC hay nhà ở riêng lẻ đến một thời điểm nào đấy đều phải phá đi xây dựng lại. Người dân sẽ đóng góp tiền xây dựng lại trên diện tích mình đang sử dụng. Còn quyền sở hữu nhà và đất chung cư vẫn phải được giữ nguyên", BĐ Huyen Pham ý kiến.

Đề xuất này nên cân nhắc thận trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp và rất nhiều ở hiện tại và cả tương lai sau này của thị trường nhà đất, mà nhà đất thì liên quan rất nhiều ngành nghề khác nên sẽ hình thành chuỗi thay đổi kéo theo!

N.Phong

Dự báo, nếu đề xuất này được thông qua sẽ có làn sóng bán NCC ồ ạt, vì không ai muốn căn hộ của mình bỗng dưng ngủ 1 đêm sáng dậy từ chủ sở hữu lâu dài trở thành người sở hữu có thời hạn cả.

Chau Nguyen


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.