Đọc bài viết Có sự nhầm lẫn về khái niệm xóa án tích của tác giả Trần Đình Thu trên Tôi viết, tôi có đôi điều suy nghĩ và rất muốn được chia sẻ.
Vấn đề này có thể sẽ gây ra tranh luận về cách hiểu các điều 63, 64, 65, 66, 67 trong bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 về việc xóa án tích.
Trước hết, xin hãy hiểu rõ thế nào là xóa án tích. Khái niệm xóa án tích theo điều 63 trong bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 được hiểu là “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được tòa án cấp giấy chứng nhận”. Xin hãy lưu ý vế thứ hai trong câu trên là “được tòa án cấp giấy chứng nhận”. Nó có nghĩa là một người muốn được xóa án tích phải được tòa án giấy cấp giấy chứng nhận, đây chính là điều kiện cần và đủ mang tính chất bắt buộc.
|
Cách dễ nhất để phân biệt sự khác nhau về xóa án tích trong các điều 64, 65, 66 là ta hãy căn cứ vào quyền quyết định của tòa án. Đối với người đương nhiên được xóa án tích, họ có quyền đề nghị tòa án ra quyết định xóa án tích đối với mình nếu họ thỏa mãn các điều kiện trong điều 64 và tòa án không có quyền từ chối. Nhưng đối với các trường hợp còn lại trong hai điều 65, 66 thì tòa án hoàn toàn chủ động quyết định thời gian và đối tượng được xóa án tích.
Vì vậy, nhất thiết, người phạm tội muốn được xóa án tích đương nhiên trong điều 63 như trường hợp mà tác giả Trần Đình Thu nêu lên phải liên hệ với tòa án hoặc sở tư pháp địa phương để được xóa án tích theo quy định của pháp luật. Cầm giấy chứng nhận trong tay rồi thì lúc này người đó mới thực sự trở thành một công dân được xóa án tích, kể như chưa có tiền án, tiền sự. Giá trị của văn bản xóa tích tồn tại là ở chỗ đó. Nếu không thì luật cứ quy định ở một số tội hễ ra tù thì mặc nhiên được xóa án tích sau một khoảng thời gian nhất định chứ cần gì phải đến tòa án hay sở tư pháp làm gì?
Giấy chứng nhận xóa án tích hay quyết định xóa án tích của tòa án chính là sự xác nhận hợp pháp của cơ quan tư pháp về nhân thân và nhân cách đã thực sự biến chuyển của cá nhân đó. Nó là một minh chứng về sự tái trong sạch của cá nhân đối với xã hội, cộng đồng mang giá trị pháp lý cao. Và xin khẳng định là nó rất cần thiết.
Do đó, việc tác giả Trần Đình Thu so sánh giữa việc đi xác nhận độc thân và xóa án tích như bài viết “Có sự nhầm lẫn về xóa án tích” là sự so sánh khập khiễng giữa người chưa có tiền án, tiền sự với người đã có tiền án tiền sự. Hai vấn đề này về bản chất hoàn toàn không giống nhau theo quy định của pháp luật. Đó là chưa kể đến sự khác nhau về đối tượng điều chỉnh giữa một bên là hành chính và một bên là hình sự. Điều này sẽ dẫn đến cách hiểu sai lệch về luật và có thể gây ra những hiểu nhầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tương lai của con em sau này trong những trường hợp tương tự như trường hợp của hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà.
Còn tại sao hai em dù có cố tình hoặc vô tình không khai ra việc cha mình chưa được xóa án tích mà vẫn được Bộ Công an nhận vào Học viện Cảnh sát thì chúng ta cần xem xét và thảo luận về những quy định xét tuyển ấy liệu có còn phù hợp với thời đại hay không trong một chuyên đề khác.
Bình luận (0)