Căn hộ condotel bị 'thay tên đổi họ'?

Đình Sơn
Đình Sơn
05/06/2024 18:29 GMT+7

Trên thị trường đang xuất hiện những loại hình căn hộ rất lạ, rất mới như Apart Hotel, căn hộ biển, căn hộ du thuyền... Vậy đây là loại hình căn hộ gì, pháp lý ra sao?

Chủ đầu tư "khai tử" tên cũ

Mới đây, báo cáo về thị trường bất động sản quý 1/2024 của DKRA Group cho biết cả nước có hơn 4.800 căn hộ condotel mở bán, tập trung ở miền Trung. Tuy nhiên, toàn thị trường chỉ có 64 căn được tiêu thụ, tương đương 1%. Hầu hết các dự án đều bán hàng chậm. 90% dự án căn hộ condotel không phát sinh giao dịch.

Tương tự, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng thông tin, thị trường có gần 10.000 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mở bán trong quý 1, chủ yếu là condotel. Tuy nhiên, trong số này, hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Lượng tiêu thụ toàn thị trường chỉ 1,6%, với 160 giao dịch, tương đương tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 2%.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường căn hộ condotel tại Việt Nam trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng, nhất là giai đoạn 2016 - 2019. Chỉ riêng trong giai đoạn này, ước tính trung bình 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm. Bên cạnh nguồn cung lớn, nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này chạy đua cam kết lợi nhuận với thời gian và tỷ lệ hấp dẫn, mà thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.

Chính vì vậy, khi thị trường bất động sản rơi vào đóng băng, nhiều chủ đầu tư đã phá vỡ những cam kết về lợi nhuận với khách hàng. Dự án không trả lợi nhuận, không bàn giao giấy chứng nhận (sổ hồng), thậm chí nhiều dự án không bàn giao nhà cho khách hàng đã khiến nhà đầu tư mất lòng tin. Điều đó càng khiến thị trường bất động sản nói chung, phân khúc căn hộ condotel nói riêng trầm lắng và chậm phục hồi.

Khi khủng hoảng bất động sản, trong đó có condotel nổ ra, cái tên căn hộ condotel đã bị nhiều chủ đầu tư "khai tử". Cụ thể, nhiều chủ đầu tư dự án đã nhanh chóng đổi tên dòng sản phẩm để sáng tạo ra một câu chuyện mới theo kiểu "bình cũ rượu mới". Mô hình quản lý cũng có sự thay đổi để tạo cảm giác không lặp lại như condotel. Thay vì giao cho chủ đầu tư thuê một đơn vị quản lý vận hành thì nay khách hàng có thể tự vận hành cho thuê hoặc để ở khi có nhu cầu. Theo đó, loại hình căn hộ condotel đã được thay tên đổi họ thành Apart Hotel, căn hộ biển, căn hộ du thuyền…

Điển hình, mới đây, trong một sự kiện mở bán dự án The Maris Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chủ đầu tư đã đưa ra thuật ngữ căn hộ du thuyền và quảng cáo rằng đây là biểu tượng sống mới tại trung tâm TP.Vũng Tàu. Dự án được định vị là căn hộ du thuyền cao cấp nằm trong tổ hợp nghỉ dưỡng - thương mại - giải trí biển 5 sao The Maris Vũng Tàu.

Nhiều trường hợp, chủ đầu tư giới thiệu mô hình căn hộ biển, là sự kết hợp căn hộ truyền thống và căn hộ nghỉ dưỡng. Khi xu hướng sống thay đổi, cư dân ngày càng ưu tiên sự trải nghiệm và sức khỏe, tinh thần thì sự xuất hiện mô hình căn hộ này là một sự đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Thế nhưng thực chất, đây cũng chỉ là bình cũ rượu mới, là các căn hộ khách sạn- condotel mà thôi.

Căn hộ condotel bị 'thay tên đổi họ'?- Ảnh 1.

Sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng đang chững lại


Phía sau những cái tên "rất tây", rất lạ 

Trao đổi với Báo Thanh Niên, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), nói rằng thời gian qua nhà đầu tư mất lòng tin vào các chủ đầu tư loại hình căn hộ condotel, nhất là trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư đã "xù" không thực hiện chia lợi nhuận như cam kết. Nhiều dự án khi khách hàng mua nhà trước đây được cam kết hỗ trợ lãi suất thì nay chủ đầu tư cũng cắt không tài trợ nữa. Nhiều dự án không bàn giao sổ hồng, không bàn giao nhà đúng tiến độ cũng khiến nhà đầu tư nản lòng. Thậm chí, nhiều dự án chủ đầu tư đã giao sổ hồng cho khách hàng nhưng sau đó chính quyền thu hồi vì cấp sai. Dù hiện nay luật đã quy định cho cấp sổ hồng đối với căn hộ condotel nhưng chưa có địa phương nào thực hiện.

Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã thay tên đổi họ, đánh tráo khái niệm loại hình căn hộ này để giới thiệu đến khách hàng bằng những cái tên rất "tây", rất lạ. Nhưng những tên gọi này không được sử dụng trong các văn bản pháp lý. Khi ký hợp đồng với khách hàng, các dòng sản phẩm này vẫn được gọi là "căn hộ du lịch", hay còn gọi là condotel. 

"Những cái tên như ApartHotel, căn hộ biển, căn hộ du thuyền... không đúng với bản chất, nội dung của loại hình căn hộ du lịch. Những tên gọi này do các chủ đầu tư tự sáng tác ra. Nhà đầu tư cần hiểu rõ điều này để tránh bị nhầm lẫn và rủi ro", luật sư Cường cảnh báo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.