Cận khai giảng, vẫn thiếu hàng ngàn giáo viên

23/08/2013 15:20 GMT+7

(TNO) Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới 2013-2014, thế nhưng, ở TP.HCM tình trạng thiếu hàng ngàn giáo viên vẫn chưa thể giải quyết.

>> TP.HCM tăng học phí

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sau tuyển dụng đợt 1 vừa qua thì TP.HCM còn thiếu khoảng 1.200 giáo viên. Cụ thể thiếu khoảng 300 giáo viên mầm non, 500 giáo viên tiểu học và 400 giáo viên THCS.

Đó là nội dung ông Phạm Ngọc Thanh thông tin nhân Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 23.8.


Niềm vui ngày đầu năm học của cô và trò Trường tiểu học Vàm Sác, Cần Giờ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thiếu trầm trọng giáo viên tiểu học

Quận Bình Tân là quận thiếu nhiều giáo viên nhất tại TP.HCM với 256 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiểu học thiếu tới 144 giáo viên, THCS thiếu 90 giáo viên và 22 giáo viên mầm non.

Kế đó là quận Gò Vấp thiếu 70 giáo viên tiểu học, 87 giáo viên THCS.

Theo ông Huỳnh Văn Ba, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Bình Chánh, huyện vẫn còn thiếu 177 giáo viên gồm 25 giáo viên mầm non, 80 giáo viên tiểu học và 72 giáo viên THCS. Để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho năm học mới, huyện vẫn đang chờ Sở GD-ĐT có hướng đề xuất bổ sung giáo viên.

Tương tự, quận 8 thiếu 163 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (các bộ môn văn, toán, thể dục, mỹ thuật, kỹ thuật nông nghiệp, địa, thể dục, sinh,…); quận Thủ Đức thiếu 100 giáo viên với 75 giáo viên tiểu học và 25 giáo viên THCS; quận 4 thiếu 108 giáo viên gồm 28 giáo viên THCS, 52 giáo viên cấp tiểu học và 28 giáo viên cấp học mầm non.

Với huyện Củ Chi, riêng bậc tiểu học thiếu 149 giáo viên, bậc mầm non thiếu 52 giáo viên, trong khi bậc THCS lại thừa 61 giáo viên. Trong khi các môn ngữ văn, sử, toán thừa giáo viên thì môn nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, sinh, tin học bậc THCS lại thiếu giáo viên.

 

Sẽ tham mưu chỉ thi tuyển lớp 10

Theo kết luận của Đoàn khảo sát Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, việc thi tuyển hay xét tuyển vào lớp 10 hằng năm, Sở GD-ĐT TP.HCM cần nghiên cứu kỹ để có hướng dẫn cụ thể cho các quận huyện. Cụ thể là trong khi quận 4 xin được xét tuyển thay vì thi tuyển thì huyện Hóc Môn đề nghị cho phép thi tuyển trở lại.

Ông Phạm Ngọc Thanh cho biết khi thực hiện xét tuyển vào lớp 10 ở một số quận, huyện ngoại thành những năm gần đây đã khiến cho nỗ lực học tập của học sinh bị hạn chế. Theo đánh giá của một số quận, huyện thực hiện xét tuyển lớp 10 thì chất lượng học sinh có phần giảm sút, tỷ lệ học sinh bỏ học cũng gia tăng.

Vì vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tham mưu kế hoạch thi tuyển hay xét tuyển. Và sắp tới, sở tham mưu chỉ thi tuyển không xét tuyển lớp 10.

Các quận khác cũng thiếu khá nhiều giáo viên như: quận 7 thiếu 73 giáo viên, quận 9 thiếu 50 giáo viên, quận Phú Nhuận thiếu 18 giáo viên, quận Bình Thạnh thiếu 43 giáo viên, huyện Hóc môn thiếu 46 giáo viên mầm non và tiểu học, huyện Nhà Bè thiếu 34 giáo viên dạy nhiều môn bậc tiểu học và dạy môn chính bậc THCS,…

Ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng với tình trạng thiếu giáo viên như vậy nên tỷ lệ 1,2-1,5 giáo viên/lớp rất khó đảm bảo. Cứ đầu năm học, tình trạng thiếu giáo viên lại diễn ra, nên ông Thanh cho biết Sở GD-ĐT đã kết hợp với Trường ĐH Sài Gòn để đặt hàng giáo viên cho những năm tiếp theo.

Thế nhưng lại có một nghịch lý trong việc đào tạo và tuyển dụng. “Trong khi Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh trong cả nước thì TP.HCM chỉ tuyển giáo viên có hộ khẩu tại thành phố nên rất khó tính toán làm sao đặt hàng trước số giáo viên”.

Trước tình trạng này, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM sớm có hướng dẫn cụ thể về tuyển dụng giáo viên có hộ khẩu KT3.

Ông Thanh đề nghị các phòng giáo dục quận, huyện gửi văn bản tuyển giáo viên diện KT3 (tạm trú) để Sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Quá tải lớp 1

Áp lực trẻ vào lớp 1 cao nhất có lẽ là quận Gò Vấp khi số học sinh tạm trú quá đông, dẫn đến trường lớp thiếu chưa đáp ứng được việc giảm tải sĩ số học sinh/lớp theo quy định.

Một số trường như tiểu học An Hội, THCS Phạm Văn Chiêu có sĩ số học sinh rất cao so với quy định (khoảng 50 em/lớp). Đồng thời số học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp.

Ở quận Thủ Đức, tình hình thu nhận trẻ đúng 6 tuổi vào lớp 1 vượt chỉ tiêu gần 400 em. Với chỉ tiêu khoảng 6.860 thì quận lại có tới 7.236 em vào lớp 1.

Tại huyện Bình Chánh, cũng do học sinh vào lớp 1 tăng cao, cấp tiểu học có tới 913 lớp/635 phòng, thiếu 278 phòng học, trong khi cả hai cấp mầm non, THCS thiếu tổng cộng khoảng 100 phòng. Cấp tiểu học năm nay tăng đến 90 lớp và tăng 3.517 học sinh.

Để đáp ứng đủ chỗ học, huyện Bình Chánh đề xuất xây dựng thêm 12 phòng học ở Trường tiểu học Vĩnh Lộc 2 và 12 phòng học ở Trường tiểu học An Hạ.

Ở huyện Hóc Môn, một huyện ngoại thành nhưng sĩ số học sinh/lớp vẫn còn rất cao. Bình quân khoảng 46 học sinh/lớp. Các trường đạt chuẩn quốc gia lại vượt quá quy định 35 học sinh/lớp.

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, tình hình chung của TP.HCM năm nay là sĩ số ở các lớp 1 đều tăng, nhiều nơi giảm 2 buổi/ngày bằng cách luân phiên học sinh học 1 buổi/ngày để đảm bảo 100% trẻ đều có chỗ học.

Năm học này TP.HCM đưa vào sử dụng 1.314 phòng học, trong đó nội thành là 579 phòng và ngoại thành là 735 phòng. Riêng bậc tiểu học đưa vào 521 phòng, nhiều nhất so với các bậc học khác nhưng vẫn không đáp ứng đủ khi áp lực tăng dân số quá nhanh.

Sớm có hướng dẫn thu học phí

Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, băn khoăn: Ngày khai giảng đã cận kề nhưng đến nay Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn chưa ban hành hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác, trong khi mức học phí mới đã được HĐND TP.HCM thông qua.

“Lộ trình điều chỉnh học phí là phù hợp trong nhiều năm qua nhưng do năm nay tình hình kinh tế khó khăn, việc tăng học phí và thu các khoản khác thì Sở GD-ĐT phải sớm có hướng dẫn để phụ huynh chuẩn bị tinh thần”, ông Linh đề nghị.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam quận 3 cũng kiến nghị xem xét ảnh hưởng khi học phí năm học mới tăng gấp 3 lần trong khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập của con em các gia đình lao động nghèo.

Song song với tăng học phí thì phải nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn giảm học phí.

 Hoàng Quyên

>> TP.HCM vẫn thiếu phòng học và giáo viên
>> Quá tải học sinh, thiếu giáo viên
>> Quá tải lớp 1
>> Vào lớp 1 phải có... chủ quyền nhà ở !
>> Học sinh lớp 1 tăng, lớp 10 giảm
>> Phân tuyến xét tuyển lớp 10 tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.