Cần làm rõ những bất thường tại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn

Đình Phú
Đình Phú
26/04/2020 06:35 GMT+7

Dư luận hết sức bất ngờ trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn TNHH MTV TP.HCM (Resco). Và theo tìm hiểu của Thanh Niên , tại Resco còn những bất thường đến nay chưa được làm rõ.

Resco có 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, vốn được xem là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực bất động sản, khi tham gia nhiều dự án (DA) lớn của TP.HCM như chương trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chương trình chỉnh trang đô thị giải tỏa rạch Ụ Cây, các chương trình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chương trình nhà ở tái định cư, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, hư hỏng…
Đặc biệt, nhờ sở hữu quy mô diện tích nhà đất “khủng”, Resco còn là chủ đầu tư, tham gia đầu tư nhiều công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư thương mại có vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM.
Một phần cũng nhờ những “đặc quyền” đó, Resco từng có bước tăng trưởng trong quá trình hoạt động. Cụ thể, từ số vốn ban đầu hơn 300 tỉ đồng với 17 đơn vị thành viên, đến nay theo báo cáo của Resco, vốn của tổng công ty đã lên đến hơn 4.000 tỉ đồng.
Doanh thu giai đoạn 2011 - 2015 của Resco đạt 27.968 tỉ đồng (118% so với kế hoạch); lợi nhuận trước thuế đạt 3.487 tỉ đồng (101% kế hoạch); nộp ngân sách 1.927 tỉ đồng (98,8% kế hoạch). Trong giai đoạn 2015 - 2020, Resco cũng đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu: tổng doanh thu đạt 39.558 tỉ đồng, lợi nhuận 5.705 tỉ đồng, nộp ngân sách 3.140 tỉ đồng… Bộ máy lãnh đạo của Resco hiện nay đứng đầu là ông Nguyễn Phước Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, cũng là người đại diện pháp luật của tổng công ty.
Trên thực tế, dư luận những năm gần đây đã râm ran về những lình xình trong hoạt động kinh doanh của Resco. Nhiều nghi vấn bất thường về vấn nạn “cát cứ”, “lợi ích nhóm”… được đặt ra. Và khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc, hàng loạt bất thường tại Resco mới dần hé lộ.

Quá nhiều bất thường trong quản lý

Một vấn đề rất bất thường liên quan đến tài chính cần phải làm sáng tỏ, đó là Resco có vốn hàng ngàn tỉ đồng, làm hàng chục dự án; nhưng theo khẳng định của Thanh tra TP.HCM, lại… thiếu sổ sách kế toán, khiến ngay cả cơ quan thanh tra cũng gặp khó khăn trong công tác tiếp cận hồ sơ. Về vấn đề thuế, Resco từng bị Cục Thuế TP.HCM phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 10 tỉ đồng và bị ban hành 6 quyết định cưỡng chế nộp ngân sách nhà nước. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra TP.HCM cũng đã phải ban hành quyết định thu hồi hơn 54 tỉ đồng là số lợi nhuận còn lại mà Resco “quên” nộp ngân sách nhà nước năm 2018 sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Về hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong khi chi phí quản lý thực hiện trong 2 năm đều vượt so với kế hoạch được UBND TP.HCM giao; năm 2017 tăng 141,34%, năm 2018 tăng tiếp 158,42% so với chi phí kế hoạch, thì hiệu quả doanh thu hoạt động kinh doanh chỉ hơn 76% (năm 2017) và năm 2018 lại tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 72% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, Quỹ đầu tư phát triển của Resco còn dư đến hơn 545 tỉ đồng...
Bất thường về cách thức quản lý, điều hành tại Resco còn thể hiện qua con số công nợ năm 2018 lên đến hơn 1.473 tỉ đồng, trong đó có hơn 304 tỉ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia nhưng đến tháng 5.2019 vẫn chưa thu. Như Thanh Niên số ra ngày 25.4 phản ánh, kiểu quản lý “dành đặc quyền cho đối tác mà “quên” trách nhiệm thực thi pháp luật và trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn nhà nước”, theo Thanh tra TP.HCM là “tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn”. Chưa kể, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng cũng được cơ quan thanh tra cảnh báo, khi Resco còn tùy tiện chi hơn 55 tỉ đồng cho các tổ chức, cá nhân dù chưa hề được thủ trưởng đơn vị ký duyệt.
Sự xem thường pháp luật, tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Resco còn thể hiện qua nhiều phi vụ với các đối tác là công ty cổ phần, cũng cần phải sớm làm rõ. Điển hình là phi vụ hợp tác với Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp về DA chung cư Nguyễn Kim - khu B (Q.10).
Resco đã dùng vốn nhà nước chi trả các chi phí thực hiện DA thay cho đối tác này. Mãi đến ngày 31.12.2018, Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp thực hiện góp vốn hơn 398 tỉ đồng và góp bằng tiền thu từ chia tiền bán sàn thương mại khu B - chung cư Nguyễn Kim hơn 32 tỉ đồng. Điều đáng nói hơn nữa, Resco, kiểm soát viên của Resco chưa kịp thời kiểm tra, xử lý, chưa báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu để kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Trong 2 DA mà Chủ tịch UBND TP.HCM giao Chánh thanh tra TP.HCM tiếp tục lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, ngoài dự án chung cư Nguyễn Kim - khu B trên, còn có DA cao ốc văn phòng (số 257 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3) để báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định. Ngày 25.4, theo tìm hiểu của PV, DA cao ốc văn phòng 257 Điện Biên Phủ do Resco làm chủ đầu tư có quy mô xây dựng 2 tầng hầm, 15 tầng lầu; diện tích sử dụng đất 2.186 m2, diện tích sàn xây dựng 18.953 m2; được khởi công năm 2015; đến nay cơ bản xây xong các tầng. Cao ốc này cũng đã được một số đơn vị rao cho thuê theo từng diện tích sàn 150 - 300 - 500 - 1.180 - 2.360 - 10.000 m2, giá cho thuê 19 USD/m2, phí dịch vụ 5 USD/m2

Bao giờ xử lý rốt ráo sai phạm?

Theo tìm hiểu của PV, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Resco được xác định chỉ trong giới hạn thời gian hoạt động năm 2017, 2018 (thời kỳ thanh tra). Từ tháng 10.2019, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý.
Cụ thể, trong hàng loạt chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM có yêu cầu Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Resco nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước theo đúng quy định; thu hồi công nợ, giảm chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tránh lãng phí, thất thoát, cắt giảm những chi phí không hợp lý, tăng lợi nhuận cho tổng công ty và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với nhà nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chấm dứt việc sử dụng tiền (là tài sản nhà nước) chi hộ nộp tiền thuê đất, thuế đất cho Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP địa ốc 7 và chi hộ trả tiền chi phí thực hiện DA Nguyễn Kim - khu B cho đối tác kinh doanh Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp; đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp quy định.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện TP.HCM quản lý có liên quan đến các sai phạm, hạn chế, thiếu sót theo kết luận thanh tra; qua kiểm tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý trách nhiệm phù hợp quy định (mời Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra TP.HCM dự). Đồng thời tham mưu kiện toàn nhân sự lãnh đạo Resco đủ sức đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển của tổng công ty, nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng, mục tiêu chung của TP.HCM.
Tuy nhiên, đến nay đã 7 tháng, kết quả thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn chưa được công bố.
Liên quan đến việc Resco không tuân thủ pháp luật khi làm hàng loạt DA, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Resco phải nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan công tác đầu tư xây dựng; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra các bước lập DA (khảo sát, thiết kế, lập dự toán...) trước khi phê duyệt để đảm bảo đúng, đầy đủ và tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh lãng phí.
Đặc biệt, phải nghiêm túc thực hiện việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện các DA theo đúng quy định của luật Đấu thầu năm 2013, chấm dứt việc thực hiện chỉ định thầu không đúng quy định; đảm bảo tính công khai minh bạch theo đúng quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Phải chấm dứt ban hành quyết định phê duyệt DA đầu tư xây dựng công trình trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của luật Đất đai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.