Cần làm rõ việc hạ cốt, thu hồi khoáng sản ở đồi Cụm Tư

07/01/2022 05:54 GMT+7

Tại buổi họp báo ngày 31.12.2021, nhiều PV đặt vấn đề có hay không việc lợi dụng hạ cốt đất nông nghiệp để khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Cụm Tư.

Đồi Cụm Tư cao hơn 10 m, nằm ở phía tây nam của xã Phước Vinh, H.Ninh Phước (Ninh Thuận) được Công ty TNHH TM-DV Hướng Dương Sáng (gọi Công ty Hướng Dương Sáng) hạ cốt cải tạo đất kết hợp thu hồi khoáng sản. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu làm rõ có hay không việc trá hình.

Cần làm rõ việc hạ cốt, thu hồi khoáng sản ở đồi Cụm Tư

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2019, UBND H.Ninh Phước chấp thuận cho hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm) được cải tạo đất tại thửa đất số 230, thuộc tờ bản đồ địa chính số 13, xã Phước Vinh; thời gian cải tạo đất đến hết ngày 15.11.2022.

Công ty Hướng Dương Sáng đang thực hiện hạ cốt đồi Cụm Tư

THIỆN NHÂN

Theo phương án, diện tích được cải tạo là 8,424 ha (chủ yếu vùng đất đồi Cụm Tư - PV), độ cao trung bình hạ cốt là 6 m, tổng khối lượng đất dôi dư sau khi cải tạo là 505.440 m3; sau khi hoàn thành việc cải tạo đất, hộ bà Lệ sẽ san gạt mặt bằng, phủ lớp đất màu và bón phân để trồng rừng. Ngày 4.1, ghi nhận tại khu vực đồi Cụm Tư, PV thấy hoạt động khai thác đất đá ở đây rất chuyên nghiệp. Phía trên đỉnh và lưng chừng giữa đồi có 3 máy múc loại lớn liên tục hoạt động. Các xe tải, xe máy cày thường xuyên ra vào để chở đất đá. Quanh khu vực đồi Cụm Tư được bao bọc lưới B40; ở phía trước cổng có 2 nhân viên ngồi trực để kiểm soát xe ra vào. Tại đây có bản ghi: “Không bán nợ, không bán thiếu”.

Công ty Hướng Dương Sáng là đơn vị thực hiện hạ cốt cải tạo đất kết hợp thu hồi khoáng sản tại thửa đất 230 của bà Lệ.

Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Sở TN-MT Ninh Thuận, cho biết căn cứ vào khối lượng đất đá thực tế tại hiện trường, UBND H.Ninh Phước tổ chức nghiệm thu, xác nhận khối lượng và đề xuất lên Sở. Sau đó, Sở tổ chức kiểm tra số lượng đất đá dôi dư tại hiện trường và có văn bản tham mưu UBND tỉnh cho phép thu hồi khối lượng đất san lấp từ việc hạ cốt, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tại thửa đất 230. Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép Công ty Hướng Dương Sáng thu hồi 198.000 m3 và năm 2021, cho phép thu hồi 140.000 m3 đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất tại phần diện tích thuộc thửa đất 230 của hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ để làm vật liệu san lấp.

Trong văn bản trả lời báo chí ngày 28.12.2021, Sở TN-MT Ninh Thuận cho biết diện tích thửa đất 230 của hộ bà Lệ không thuộc khu vực quy hoạch khoáng sản nên không thuộc trường hợp cấp phép hoạt động khoáng sản và hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận chưa cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tại khu vực thửa đất này. Công ty Hướng Dương Sáng là đơn vị thi công cải tạo đất theo hợp đồng ký kết với hộ bà Lệ và được UBND tỉnh cho phép thu hồi khối lượng đất dôi dư phát sinh từ hoạt động cải tạo đất nông nghiệp tại thửa đất này.

Sau đó, tại buổi họp báo ngày 31.12.2021, nhiều PV đặt vấn đề có hay không việc lợi dụng hạ cốt đất nông nghiệp để khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Cụm Tư. Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng việc hạ cốt với diện tích vừa phải và hạ cốt xong mục tiêu là sản xuất nông nghiệp cho bằng được chứ không phải hạ cốt để đi khai thác một quả đồi là trá hình; mà trá hình xem như vi phạm pháp luật. Ông Nam đề nghị ngay lập tức dừng lại việc này, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng hạ cốt san lấp mặt bằng để lấy khoáng sản phục vụ vào mục đích khác và giao UBND H.Ninh Phước tổ chức kiểm tra hoạt động của Công ty Hướng Dương Sáng, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.1 để trả lời cho cơ quan báo chí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.