Cần mạnh tay làm trong sạch thị trường

02/04/2022 07:18 GMT+7

Thị trường chứng khoán những năm gần đây thu hút không ít dòng vốn mới tham gia. Để thu hút nguồn vốn trong dân, thúc đẩy thị trường phát triển, các chuyên gia kiến nghị cần thêm các biện pháp làm trong sạch thị trường.

Kiểm soát hoạt động công bố thông tin, tự doanh chứng khoán

Trong năm 2021, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) có lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỉ đồng, ghi nhận một năm kỷ lục trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK). Một trong những hoạt động mang lại lợi nhuận lớn của các đơn vị đến từ phần tự doanh. Có được lợi thế này chủ yếu do các công ty có khả năng tiếp cận thông tin từ các doanh nghiệp niêm yết trước nhà đầu tư (NĐT). Thậm chí hằng tháng hay hằng quý, một số DN niêm yết lại gặp riêng bộ phận tư vấn, phân tích của CTCK để trao đổi thêm thông tin mà NĐT nhỏ lẻ không biết.

Nhà đầu tư cá nhân giao dịch trên sàn chứng khoán luôn chịu nhiều rủi ro khi lãnh đạo sàn thiếu trách nhiệm

Đào Ngọc Thạch

Theo ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Trường đại học Bristol (Anh), các CTCK nước ngoài cũng có hoạt động tự doanh nhưng cách họ làm không giống như VN. Ở nước ngoài, toàn bộ nội dung thông tin cuộc gặp gỡ giữa công ty niêm yết và các nhà phân tích phải được thu hình và công khai trên chính trang web của công ty hay qua các sở giao dịch chứng khoán. Ở một số quốc gia, việc phân biệt đối xử trong thông tin đều có quy định cấm, chẳng hạn như Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường VN đang có nhiều vấn đề trong bất cân xứng thông tin cũng như những lợi thế nhất định cho NĐT lớn, hoạt động tự doanh của CTCK và những NĐT nhỏ. Cách hiểu rằng thông tin chỉ mang tính dự đoán, không thuộc nhóm thông tin phải công bố theo luật định thì không cần phải công bố ra đại chúng, mà chỉ cần chia sẻ với một số người mà thôi chính là sự nhầm lẫn giữa khái niệm công bố thông tin tự nguyện với công bố thông tin kiểu phân biệt đối xử. Các CTCK VN là đơn vị nắm bắt thông tin tốt trên thị trường, cộng thêm hoạt động tự doanh cũng như cung cấp thông tin này cho khách hàng VIP của họ thì khả năng “thao túng” là điều dễ hiểu.

Để thị trường minh bạch, ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng cần công bố thông tin không có sự phân biệt. CTCK phải có quy trình xử lý lệnh minh bạch, không ưu tiên lệnh khách VIP và tách bộ phận tự doanh ra riêng so với hoạt động khác của CTCK, thực hiện nghiêm túc “tường” ngăn cách chia sẻ thông tin và hoạt động giữa tự doanh và các hoạt động phục vụ NĐT. Quy trình phải rõ ràng, phải có thanh tra giám sát và có đường dây nóng để báo cáo nghi ngờ vi phạm tường ngăn cách. Bộ phận giám sát tố cáo vi phạm phải độc lập với bộ phận làm việc trực tiếp với CTCK.

Cần thanh tra, giám sát những nghi ngờ vi phạm

Trên thực tế, mức phạt tiền đối với các vi phạm trên sàn chứng khoán với mỗi vụ từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, nhưng hiện tượng thao túng giá xem ra vẫn không thuyên giảm.

LS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, cho rằng cần phải mạnh tay xử phạt nặng hơn nữa hành vi này để trả lại TTCK là kênh thu hút vốn cho nền kinh tế. Những hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu nhằm kiếm lợi ích về mặt kinh tế nên biện pháp hiệu quả nhất là đánh vào kinh tế, xử phạt mạnh nhất. Ở đây xử phạt bằng tiền không chỉ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng theo quy định mà nên tính phạt bằng số tiền thiệt hại mà hành vi đó gây ra cho thị trường. Ví dụ, trường hợp thao túng giá thu lợi 400 tỉ đồng thì phạt 400 tỉ đồng, thay vì vài trăm triệu đồng như hiện nay. Như vậy mới có tính răn đe không thực hiện thao túng giá. Các nước hiện nay áp dụng hình phạt tiền khá nặng trong trường hợp thao túng giá. Việc xử lý thao túng giá vừa qua liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đã khiến thị trường tin tưởng sẽ được thanh lọc hơn nên qua vụ việc này, cơ quan chức năng cũng nên thay đổi lại một số biện pháp răn đe ngay từ trong trứng nước. Từ đó phát triển TTCK thành một kênh huy động vốn chứ không kiểu mua bán cổ phiếu theo đội nhóm lái, hay hên xui…

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng có những vụ thao túng, làm giá trắng trợn trên thị trường nhưng mức xử phạt không cao nên không mang nhiều tính răn đe. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường xử phạt nặng tay theo khung “cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”, cơ quan chức năng cũng nên có một số giải pháp cấp bách khác để khôi phục niềm tin của thị trường. Đó là thành lập một cơ quan ngang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc cơ quan kiểm toán chuyên giám sát các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán để phòng ngừa từ xa, chứ không để nó diễn ra gây hậu quả nghiêm trọng, làm mất tiền NĐT. Đồng thời, ban hành quy định phong tỏa tài khoản những cá nhân nắm giữ cổ phiếu trong các công ty phải công bố thông tin theo quy định, điều này nhằm tránh hiện tượng “bán chui” cổ phiếu xong mới công bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.