Đất đai, xăng dầu găm hàng, sốt ảo
Trung tuần tháng 2 vừa qua, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh trên một lô đất trống được dựng lều bạt, nhiều người là nam trong trang phục áo vest “cổ cồn”, nữ váy đen sơ mi trắng chạy vào chạy ra toát cả mồ hôi. Họ thông báo cho người đang dẫn chương trình bằng hình thức “hò hét” rằng các nền đất khách đăng ký mua đã được “xuống tiền”.
Trong tiếng nhạc phát từ chiếc loa kẹo kéo, người dẫn chương trình liên tục thông báo loạt nền đã được người mua “chốt cọc” liên tục. Cạnh đó, cũng trên bãi đất trống khô cằn này, là những dãy ô tô hoành tráng. Sự kiện này sau đó được xác nhận diễn ra tại Bình Phước. Chiêu tạo sốt giả để “lùa gà” đến xem, ép mua đất nền từ dự án… trên giấy kiểu này được sử dụng ở nhiều địa phương. Tại Cam Lâm (Khánh Hòa), đầu nậu tự đóng cọc khoanh rào ngụ ý đất dự án, tung tin có nhà đầu tư lớn đến địa phương, đóng cột trên ghi Bộ Tài nguyên - Môi trường… Không chỉ tạo các cơn sốt ảo trên sàn, từ năm ngoái tới nay, cơn sốt còn lan đến các sàn đấu giá đất với giá trúng đấu giá cao chót vót khiến chính quyền địa phương bất ngờ, bối rối. Đặc biệt, có hiện tượng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quá cao như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM).
Mỗi vụ việc khi được khui ra đều là những vụ lớn, đã tồn tại rất lâu và gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó cho thấy vấn đề không phải pháp luật không có mà khâu thực thi pháp luật yếu kém
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN
Ngoài đất đai, góp phần gây xáo trộn thị trường trong mấy tháng đầu năm là tình trạng “hết xăng”, bán định mức xảy ra ở nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện một số cửa hàng có hành vi còn xăng dầu trong bồn nhưng không bán hoặc bán hạn chế cho khách để chờ bán sau điều chỉnh giá cao hơn.
Đất đai ở vùng ven trong thời gian qua bị “làm giá” gây lũng đoạn thị trường rất lớn |
ĐÌNH SƠN |
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng các hành vi còn hàng không bán, tung thông tin giả trên thị trường để “đánh lên”... là nguy hại, lũng đoạn thị trường rất nguy hiểm. Tương tự, việc đưa giá đấu giá đất cao, rồi không đủ tài lực để mua, khiến mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao chót vót như đã từng xảy ra tại TP.HCM cũng là hành vi gây lũng đoạn thị trường. “Nên nhớ, sau khi đơn vị trúng thầu, giá cổ phiếu họ tăng mạnh, các dự án của họ cũng được “lên đời”, tăng giá. Đến nay, thông tin qua báo chí cũng thấy, đất tại khu vực thủ Thiêm không ai dám sờ vì giá đã “phỏng tay”. Như vậy, phải xem xét hành vi của doanh nghiệp bỏ giá cao bất hợp lý trong thời gian qua có góp phần gây biến dạng thị trường không?”.
Doanh nhân, tài phiệt thao túng ngày càng nhiều
Phát biểu tại tọa đàm “Vai trò môi giới bất động sản trong xu thế mới” vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, thừa nhận giá đất đai ở một số nơi có tình trạng nhảy múa, tăng vọt, trong đó có “sự góp sức” của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp cũng cố tình “tiếp tay” đẩy giá, thổi giá nhằm hưởng lợi, không phục vụ cho phát triển của các địa phương.
“Câu chuyện các doanh nhân, nhà tài phiệt thao túng thị trường ngày càng diễn ra phổ biến. Một doanh nhân vừa bị bắt vì thao túng chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là liệu các hành vi lũng đoạn thị trường nhà đất trong thời gian qua có bị xử lý như hoạt động thao túng thị trường chứng khoán hay không?”, đặt vấn đề tại buổi tọa đàm, ông Đính kêu gọi các nhà làm luật nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định để có phương án hạn chế hành vi thao túng giá đất, gây lũng đoạn thị trường bất động sản.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, khẳng định hệ thống luật pháp của VN hiện nay gần như không bỏ sót hành vi vi phạm thuộc bất cứ lĩnh vực nào. Đơn cử, luật về giá cũng chỉ rõ những hành vi nào bị quy vào tội bán phá giá, trường hợp nào là vi phạm, chế tài xử lý ra sao; luật Đất đai cũng quy định đầy đủ những hành vi thế nào được gọi là đầu cơ, nâng khống giá nhằm mục đích trục lợi; luật Đấu giá có đầy đủ quy phạm pháp luật về từng trường hợp trong mỗi phiên đấu giá… Về cơ bản, hệ thống luật pháp của VN rất đầy đủ, cùng với những thể chế cơ sở để kiểm soát rất chặt chẽ. “Không đâu nhiều thanh tra như ở VN. Lĩnh vực nào cũng được kiểm soát bởi hệ thống quy chế dân chủ ở cơ sở rất chặt, tưởng chừng như con kiến cũng không thể lọt qua. Thế nhưng, tình trạng thao túng, đầu cơ, vi phạm vẫn diễn ra nhan nhản ở một số lĩnh vực. Mỗi vụ việc khi được khui ra đều là những vụ lớn, đã tồn tại rất lâu và gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó cho thấy vấn đề không phải pháp luật không có mà khâu thực thi pháp luật yếu kém”, ông Huỳnh nói.
Cũng theo vị này, hiệu quả thực thi pháp luật được đánh giá dựa vào các yếu tố như làm có kịp thời không, có minh bạch không, có những lợi ích nhóm, sự thông đồng nào giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp không. Dẫn câu chuyện Công ty địa ốc Alibaba từng làm loạn thị trường bất động sản, luật sư Huỳnh phân tích: Từ những năm 2016 - 2017, Alibaba và các công ty thành viên đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp giao cho các cá nhân đứng tên, tự vẽ ra 40 dự án “ma” tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Khi đó, rất nhiều đơn vị báo chí, truyền thông đã lên tiếng phản ánh, nhiều địa phương cũng có văn bản cảnh báo nhưng những hoạt động của doanh nghiệp này vẫn được diễn ra bình thường. Phải tới giữa 2019, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, kết tội và xử lý những sai phạm. Tới khi đó, doanh nghiệp này đã “kịp” bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng. Hay như trường hợp các hệ thống bán lẻ xăng dầu găm hàng, chờ điều chỉnh giá xăng để bán giá cao trục lợi, nếu cơ quan quản lý giám sát tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu trước ngày thực hiện điều chỉnh giá, nghiêm trị, tước giấy phép nếu cửa hàng xăng dầu cố tình ngưng bán thì chắc chắn những cơ sở kinh doanh này cũng sẽ không dám “ngọ nguậy”.
Bình luận (0)