“Hy vọng chúng ta sẽ có được những bộ sách đáp ứng đổi mới, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh (HS)”, ông Ân nhận định.
|
Thi theo chuẩn chương trình chứ không phải theo SGK
“Việc xã hội hóa, cho phép nhiều sách giáo khoa (SGK) là chủ trương mới, chúng ta chưa từng làm một cách rộng rãi và triệt để nên không có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, thực hiện nhiều bộ SGK cùng theo một chương trình là một quan điểm tiến bộ, xu thế thời đại, làm thay đổi bộ mặt của giáo dục VN, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai”, ông Ân nhấn mạnh.
Chính vì vậy, ông Ân cho rằng Bộ GD-ĐT phải chủ động tuyên truyền rộng rãi tính ưu việt của chủ trương có nhiều bộ SGK. “Làm sao để xã hội thấy được mặt trái của việc chỉ có 1 bộ SGK, dẫn đến kết quả khác nhau giữa các vùng miền. Vùng phát triển được đánh giá là quá nhẹ, vùng khó khăn lại cho rằng quá nặng. Kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên (GV)”, ông Ân mong muốn. Đồng thời cần làm rõ quản lý chuyên môn phải bằng chương trình chứ không phải là SGK.
“Thi theo chuẩn và yêu cầu đầu ra chứ không phải thi theo SGK. Bộ GD-ĐT có trọng trách lớn là xây dựng chương trình sao cho vừa hiện đại vừa phù hợp với hoàn cảnh của VN”, ông Ân đề xuất.
Ai nên chọn SGK?
Để GV được lựa chọn bộ SGK nào để giảng dạy là vấn đề rất mới và rất khó thực hiện trong hoàn cảnh thực tế ở các trường phổ thông hiện nay.
Vì vậy, ông Ân cho rằng cần phải làm rõ chương trình, SGK được hiểu là yếu tố tĩnh, GV sẽ lựa chọn SGK phù hợp với phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho HS. Đây được xem như có độ mở sáng tạo cho GV và HS khiến tình trạng thầy đọc trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà chồng chất sẽ dần loại bỏ. Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “Cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của GV, HS và cha mẹ HS theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.
Ở các nước, việc lựa chọn SGK để giảng dạy thường do các tổ chuyên môn, hội đồng chuyên môn của trường hoặc do các phòng GD-ĐT cấp quận, huyện thực hiện. Tuy nhiên, thực tế của VN hiện nay thì việc giao cho cấp trường hoặc cấp huyện, quận lựa chọn SGK là rất khó khả thi. Vì vậy, theo ông Ân, tốt nhất là từng tỉnh hoặc liên tỉnh cùng khu vực vùng miền, tiến hành hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi để từ đó xác định bộ SGK nào là phù hợp nhất.
SGK trong cơ chế thị trường, nhất là thị trường có nhiều bộ SGK là hàng hóa đặc biệt, nên các cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải công tâm, làm việc trung thực, trong sáng để chọn lựa được bộ SGK chất lượng tốt nhất cho mỗi nhà trường. Ông Ân khẳng định: “Quy định minh bạch, công khai và khoa học, là linh hồn của chủ trương một chương trình có nhiều bộ sách”.
Bộ GD-ĐT không thể làm SGK rồi lại thẩm định nó
Theo ông Đặng Tự Ân, nếu Bộ GD-ĐT trực tiếp làm bộ SGK và theo cách thông qua một nhà xuất bản đứng danh xưng làm tư cách pháp nhân sẽ không ổn và chắc chắn gây ra nhiều hệ lụy.
Trước hết Bộ GD-ĐT làm ra SGK rồi lại thẩm định nó thì sẽ không thể giải thích để xã hội hiểu và tin được sự trung thực và khách quan trong quá trình thẩm định. Mặt khác, khi có SGK rồi, các địa phương sẽ lập tức chọn ngay SGK của Bộ GD-ĐT, bởi nghĩ sách của Bộ là chuẩn nhất, “lành” nhất và an tâm không cần suy nghĩ, và không quan tâm tới mua các SGK nào khác.
Chức trách của Bộ là quản lý nhà nước về GD-ĐT, vì vậy Bộ chỉ nên lựa chọn một nhà xuất bản có uy tín, năng lực và nhà xuất bản này sẽ cam kết biên soạn đầy đủ, có chất lượng một bộ sách cho tất cả các lớp, các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình đã được công bố. Như vậy, chúng ta không phải lo không có SGK do các nhà xuất bản không biên soạn đầy đủ một bộ SGK hoàn chỉnh.
|
Từng tồn tại nhiều bộ SGK
Sau 1975, chương trình cải cách cấp THPT, từ 1989 có 3 bộ SGK môn văn và 3 bộ SGK môn toán. Năm 2000, bộ SGK này gộp lại thành bộ SGK duy nhất. Năm 2002 lại tiếp tục soạn với 2 bộ SGK, một bộ theo chương trình cơ bản, một bộ nâng cao để dạy học phân ban, gồm 6 môn học.
|
Bình luận (0)