Cơn mưa lớn chiều tối 30.9 đã biến nhiều con đường ở TP.HCM thành... sông, thậm chí ngay ở nơi được trang bị máy bơm siêu khủng chống ngập và nơi mới xây hồ điều tiết cũng không ngoại lệ.
Gần 40 tuyến đường ngập sâu
Muốn hết ngập toàn TP, phải mất cả 6 tỉ USD, giờ mới làm có 2 tỉ USD, được 1/3 chặng đường nên chắc chắn chưa thể hết ngập
TS Hồ Long Phi
Cơn mưa lớn ập xuống ngay giờ cao điểm chiều 30.9 khiến giao thông nhiều khu vực trong thành phố tê liệt. Số liệu trên ứng dụng UDI của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM cho biết có gần 40 tuyến đường trên địa bàn TP ngập sâu. Ngay cả tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), nơi được lắp đặt hệ thống siêu máy bơm thông minh chống ngập nhưng cũng chỉ sau 1 giờ mưa lớn, cả khu vực rơi vào tình trạng ngập kéo dài như sông. Nước ngập dâng quá cao khiến nhiều người không thể điều khiển xe máy, ngã trong dòng nước. Từ xe máy đến ô tô chết máy la liệt, người dân hai bên đường phải xúm nhau đẩy ô tô lưu thông. Đến khi mực nước dâng đạt 65 cm thì "siêu máy bơm" được vận hành và hơn 1 giờ đồng hồ sau, tuyến đường qua khu vực mới hết ngập.
Cũng trong cảnh ngộ tương tự, khi những điểm sụt lún, hư hỏng trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức) do trận ngập kinh hoàng ngày 26.9 gây ra còn chưa được khắc phục thì trận mưa chiều 30.9 lại tiếp tục khiến đường này cùng hàng loạt tuyến đường trên địa bàn các quận 2, 9, Thủ Đức chìm trong biển nước. Có nơi mực nước dâng cao gần 1 m khiến các phương tiện lưu thông khốn đốn. Nước chảy xối xả, nhiều nắp cống bị bật tung tạo thành những “hố tử thần” vô cùng nguy hiểm, nhiều xe máy phải dắt bộ. Điều đáng nói, đường Võ Văn Ngân cũng chính là vị trí mà TP.HCM vừa đưa vào sử dụng hồ điều tiết chống ngập thông minh. Hồ này dài 10 m, rộng 9 m, sâu khoảng 2,5 m, có thể chứa 109 m3 nước do Công ty Sekisui (Nhật Bản) phối hợp với Tập đoàn VMC của VN thi công lắp đặt vào đầu tháng 8 nhằm giải quyết tình trạng ngập khu vực này.
Chiều 1.10, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - đơn vị lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm hệ thống máy bơm công suất “khủng” giải quyết ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, khẳng định thông tin máy bơm không giúp khu vực này hết ngập sau trận mưa ngày 30.9 là không đúng. Theo ông Cường, trận mưa ngày 30.9 với vũ lượng lên đến 93,1 mm, nhân với diện tích khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh rộng 75 ha, thời gian mưa kéo dài 1,47 giờ, tương đương gần 100.000 m3 nước đổ dồn vào khu vực này; nhưng sau 1 giờ 5 phút bơm, tuyến đường này đã hết ngập trong khi các đường khác vẫn còn ngập nặng.
Phải bổ sung thêm hướng thoát nước
Hệ thống cống thoát nước của thành phố hiện nay đã xuống cấp. Bùn lắng, chất thải rắn, rác thải làm nghẹt và cản trở dòng chảy, cùng lúc triều dâng hay mưa lớn sẽ gây ngập cục bộ. Vì vậy, khi ứng dụng bất cứ công nghệ nào cũng phải lưu ý khả năng kết nối, tính đồng bộ của hệ thống thì mới phát huy được hiệu quả cao.
Ông Trần Văn Chín,
Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn VMC
Về việc để đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập đến 65 cm mới khởi động máy bơm, ông Cường lý giải, 2 lần bơm thử nghiệm thành công trước đó với lượng mưa thấp, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu thử nghiệm ở trận mưa lớn hơn, khoảng 70 - 100 mm. Vì thế khi đường vừa ngập, ông Cường đã gọi cho đại diện Trung tâm chống ngập TP xuống chứng kiến quá trình vận hành của máy bơm để đánh giá tác dụng với trận mưa lớn. “Khi công trình chính thức hoạt động sẽ không còn tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nữa. Nếu không hết ngập, chúng tôi không lấy tiền”, ông Cường tái khẳng định.
Không đồng tình với các lý giải này, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng đối với những vùng trũng, thấp như Nguyễn Hữu Cảnh, dùng máy bơm là điều bắt buộc, nhưng phải có tính toán đầy đủ. Hệ thống máy bơm siêu khủng của Công ty Quang Trung hiện nay dư công suất nhưng không đủ chống ngập. Hệ thống máy bơm này quá lớn, phải có một lượng nước nhất định mới đủ lực đẩy máy bơm. Khi nước chưa về kịp, máy bơm chưa thể hoạt động nên chắc chắn sẽ vẫn ngập. “Đối với khu vực này hiện nay cần có nhiều máy bơm, nhưng công suất nhỏ hơn, nằm rải rác thì mới có thể giải quyết tình trạng ngập nước do mưa”, ông Phi nói và đề nghị nhà đầu tư nên kết hợp với các đơn vị chuyên về tính toán thủy văn, thủy lực tính toán lại, nếu không sẽ vừa tốn tiền lại không hiệu quả, chỉ có thể làm giảm chứ không thể hết ngập.
Ngược lại, hồ điều tiết chống ngập ở Q.Thủ Đức, theo TS Hồ Long Phi là có dung tích quá nhỏ, không thể giải quyết ngập trên cả tuyến đường hay khu vực. TP hiện nay cần có hàng ngàn hồ như vậy để hỗ trợ xử lý hàng triệu mét khối nước. Quá trình xây dựng, đầu tư này phải từng bước tiến hành trong 10 - 20 năm. "Hệ thống thoát nước khu vực Q.Thủ Đức đã quá lạc hậu, cần nhanh chóng cải tạo. Các vùng trũng như đường Nguyễn Hữu Cảnh, bên cạnh máy bơm là giải pháp tạm thời, lâu dài vẫn cần đầu tư hệ thống thoát nước bài bản. Ngay cả công trình chống ngập do triều với tổng vốn 10.000 tỉ đồng sắp tới cũng chỉ giải quyết được một phần, vẫn phải tích cực bổ sung thêm hướng thoát nước", TS Phi nói và khẳng định máy bơm, hồ điều tiết… đều là các giải pháp bổ trợ nên có, nhưng hệ thống thoát nước vẫn là xương sống, là quan trọng nhất. "Muốn hết ngập toàn TP, phải mất cả 6 tỉ USD, giờ mới làm có 2 tỉ USD, được 1/3 chặng đường nên chắc chắn chưa thể hết ngập", TS Phi nhận định.
'Trong thời gian thử nghiệm, chúng tôi để đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập rồi mới nổ máy bơm, để mọi người thấy rõ chuyển biến so với trước đây”, ông Nguyễn Tăng Cường nói.
Bình luận (0)