Từ năm 2012, qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM đều nhận thấy thiết chế văn hóa tại thành phố đang thiếu và yếu. Cụ thể là thiếu nhiều công trình như nhà hát, bảo tàng phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Trước tình hình đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đưa đề xuất 3 địa điểm xây dựng HBSO là số 23 đường Lê Duẩn, Thủ Thiêm và công viên 23.9. Kèm theo đó là dự án xây mới các hạng mục: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà biểu diễn đa năng tại sân Phú Thọ... UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất xây dựng HSBO tại công viên 23.9, giới hạn bởi các tuyến đường: Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão với diện tích 1,2 ha.
|
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO thì liên doanh Công ty Đức BHBVT-Inros Lackner (đơn vị từng thiết kế và thi công Trung tâm hội nghị quốc gia, hiện đang xây dựng tòa nhà Quốc hội ở Hà Nội) đang lên dự án thiết kế HBSO với 2 khán phòng chính. Khán phòng lớn có sức chứa 1.200 chỗ dành biểu diễn nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch. Khán phòng nhỏ 500 chỗ diễn nhạc thính phòng và một phòng thu hiện đại duy nhất ở VN có thể thu âm dàn nhạc giao hưởng.
Tuy nhiên, không ít vấn đề được đặt ra xung quanh đề án này. Con số 100 triệu USD (tương đương 2.100 tỉ đồng) để thực hiện HBSO mới tuy không quá nhiều nhưng có thật sự cần thiết xây mới một nhà hát như thế. Đó là vì nhà hát này chỉ chuyên về dòng nhạc hàn lâm, bác học - ít hoặc chưa thể được số đông công chúng đón nhận. Ngoài ra, cũng cần nói đến việc HBSO dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2015, trong bối cảnh các trục đường bao quanh nhà hát còn quá xô bồ. Bên cạnh đó, một mảng xanh công viên sẽ bị loại bỏ để xây dựng nhà hát trong khi thành phố có quá ít không gian xanh. Một số ý kiến khác cũng đề cập việc tại sao không cải tạo, trùng tu Nhà hát TP.HCM trở thành nơi biểu diễn loại hình nhạc giao hưởng, thính phòng. Đáp lại ý kiến này, ông Thạch cho rằng: Nhà hát TP.HCM đã lạc hậu về trang thiết bị kỹ thuật. Thêm nữa, số lượng ghế chưa đến 500, quá ít so với nhu cầu. Lịch biểu diễn tại đây đã đặc kín trong năm 2013 với nhiều đơn vị tham gia như HBSO, Trung tâm tổ chức biểu diễn, các chương trình ca nhạc phục vụ du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện...
Giải pháp tình thế ?
Lâu nay, nhiều ý kiến từng đề nghị xây dựng nhà hát mang tính biểu tượng của TP.HCM. Nhà hát như thế là nơi có thể biểu diễn đa năng với nhiều loại hình nghệ thuật: xiếc, múa rối, ca nhạc, kịch, cải lương và cả diễn thời trang... Một số nước từng lựa chọn phương án này. Điển hình như Nhà hát con sò (Opera House) ở Sydney, Úc hay Nhà hát sầu riêng (Esplanade) ở Singapore. Theo ông Thạch, UBND TP.HCM vẫn giữ kế hoạch xây dựng nhà hát đa năng tại Thủ Thiêm trong tương lai khi khu đô thị được hình thành. “Vì ngay thời điểm này, nếu xây nhà hát đa năng tại Thủ Thiêm sẽ rất vắng vẻ vì ít cư dân sinh sống. Mặt khác chi phí xây một nhà hát mang tính biểu tượng như Opera House hay Esplanade lên đến từ 500 triệu đến 1 tỉ USD. Số tiền đó là quá lớn!”, ông Thạch nói thêm.
Trong khi đó, theo thông tin trên, việc xây dựng HBSO tại công viên 23.9 trước mắt đáp ứng nhu cầu cần có một nhà hát để biểu diễn của một đơn vị. Ngoài ra, dự án của UBND TP.HCM về xây nhiều hạng mục dành cho thiết chế văn hóa lại mang tính dàn trải, dễ dẫn đến tổng gộp kinh phí cũng tương đương một nhà hát đa năng có tính biểu tượng cao. Trong tương lai phát triển, thực sự cần có một nhà hát đa năng xứng đáng là biểu tượng văn hóa của TP.HCM trong mắt du khách và cả người dân thành phố.
Nên xây ở Thủ Thiêm “Xây HBSO tại địa điểm nào trong thành phố cũng được, miễn là chúng tôi có nơi để làm nghề và phục vụ công chúng. Tôi rất vui khi thấy có nhiều ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch lẫn công chúng về việc xây nhà hát. Mọi ý kiến phản hồi đều có khía cạnh xác đáng”. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO “Đương nhiên việc xây dựng nhà hát giao hưởng rất cần thiết với một thành phố lớn nhất nước, tôi hoàn toàn ủng hộ. Vị trí 23 Lê Duẩn có thể chứa nhà hát nhưng quá nhỏ so với tầm vóc công trình dạng này. Sài Gòn là nơi quá thiếu khoảng không mà mảng xanh ở công viên 23.9 quý hơn bất cứ thứ gì đặt lên đó. Khoảng không gian quý báu đó nên giữ cho người dân. TP.HCM đã có khu đô thị Thủ Thiêm thì theo tôi nên chọn nơi đây hơn công viên 23.9”. Ông Nguyễn Văn Tất, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Nhìn bản đồ tổng thể của TP thì công viên ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó nhà hát đòi hỏi nhiều thứ, có tầm nhìn cảnh quan, nhiều dịch vụ đi kèm nên diện tích phải rộng. Trong khi TP định xây dựng nhà hát chỉ rộng khoảng 1,2 ha là quá nhỏ, xung quanh đường cũng nhỏ nên rất là khó. Đó là về mặt chuyên môn. Về mặt tình cảm, mấy chục năm đổi mới TP chưa có dự án văn hóa nào mang biểu tượng nào xứng tầm. Nhiều TP lớn ở Úc, Singapore, Mỹ... xây những nhà hát lớn, hoành tráng, tạo điểm nhấn của TP đó. Tại sao không làm một dự án ở nơi đẹp, xứng tầm ai đi qua bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ đều thấy mà phải nhất quyết xây chen vào công viên. TP xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm to lớn, đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây hầm, cầu… kết nối qua, vậy tại sao không đặt điểm nhấn ở Thủ Thiêm bằng nhà hát này. KTS Nguyễn Ngọc Dũng Quan điểm của tôi là giữ cây xanh, công viên của TP là điều tối cần thiết, nếu không chú ý, phá bỏ công viên, sau này sẽ không khắc phục được. Tôi phản đối bất cứ điều gì phá bỏ công viên. Không mở rộng thì thôi, chứ không thể phá. Công viên 23.9 đã có từ lâu đời, phát triển rất tốt không chỉ phục vụ TP mà còn là du lịch. Việc xây dựng nhà hát có sức chứa lớn trong công viên sẽ ảnh đến công viên, cảnh quan. Ngày xưa Nhà hát Hòa Bình được xem là lớn lắm rồi, nay thấy nhỏ thì sửa lại. Hay tìm đất ở nơi khác để làm, chứ không được lấy đất công viên làm nhà hát. TP có diện tích công viên vẫn còn ít so với dân số TP nên cần phải phát triển thêm công viên chứ không nên giảm. Ông Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TP Đỗ Tuấn - Đình Sơn |
Đỗ Tuấn
>> Xây dựng nhà hát trong công viên 23.9
>> Bao giờ có nhà hát xứng tầm ?
>> Dương cầm hát ở Nhà hát TPHCM
>> 60 năm Nhà hát chèo Hà Nội
>> Siêu nhà hát “chết yểu”
>> Thành lập “siêu nhà hát”
>> Nhà hát Tuổi Trẻ lưu diễn phương Nam
Bình luận (0)