Cấp cứu ngoại viện là nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là ở các thành phố lớn, nơi lượng người tham gia lưu thông đông đúc, tai nạn xảy ra hằng giờ...
Tách 115 ra khỏi BV Trưng Vương
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh về tình trạng cấp cứu 115 còn nhiều hạn chế, nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi đến tòa soạn cho biết, cũng từng lâm vào cảnh phải đợi chờ cấp cứu 115. Bạn đọc Thu Hà (Q.Bình Thạnh) nói: “Trước tết âm lịch vừa qua, gia đình tôi có nhu cầu gọi 115 thì nhận thấy đúng như báo phản ánh. BV nhận cuộc gọi thì báo hết xe, nếu cần chờ hơn nửa tiếng nữa mới có, và cho số đề nghị tôi gọi cấp cứu ở Q.Bình Thạnh. Tôi gọi Bình Thạnh thì ở đây báo có 2 xe đi hết rồi! Gọi qua một BV đa khoa khác cũng ở Q.Bình Thạnh, thì người trực cấp cứu nói có xe nhưng... không có bác sĩ đi theo, và bảo gia đình chịu khó đưa đi bằng taxi (?). Vậy có cần tồn tại 115 hay không?”.
Hiện nay, tại TP.HCM, hệ thống cấp cứu ngoại viện 115 nằm chung, và chỉ là một khoa thuộc Bệnh viện (BV) Cấp cứu Trưng Vương, vậy nên, công tác cấp cứu ngoại viện theo các nhà chuyên môn là chưa đạt hiệu quả. Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM nói: “Chỉ duy nhất TP.HCM là địa phương có Trung tâm cấp cứu ngoại viện 115 nằm chung trong BV, còn tất cả các TP lớn trong nước 115 đều là đơn vị độc lập. Vì chỉ là một khoa, mà BV Cấp cứu Trưng Vương là BV đa khoa phải lo nhiều việc khám, điều trị là chính, nên không thể lo công tác cấp cứu ngoại viện tốt được. Cần tách hẳn, riêng biệt một trung tâm chỉ chuyên lo cấp cứu ngoại viện”.
Theo TS-BS Lê Trường Giang (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM), số ca bệnh, nạn nhân được vận chuyển, cấp cứu bởi 115 chiếm chưa đầy 1% so với tổng số ca vào cấp cứu tại các BV trên toàn TP. “Cấp cứu ngoại viện 115 lâu nay không có đầu mối chủ động để quản được ở thời điểm hiện tại nào đó trong ngày có bao nhiêu xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ, bao nhiêu xe đang trống để điều phối cho nhanh, hợp lý nhất, nhằm cứu người bệnh kịp thời nhất. Ở các nước tiên tiến khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu từ người dân, thì người ta sẽ phân loại, để điều xe chuyên dụng, và đội ngũ chuyên môn phù hợp theo từng bệnh tật, hay tai nạn mà người dân đang cần. Ví dụ, đưa xe chuyên dụng về chấn thương, hay về tim mạch... Điều đó không làm lãng phí “thời gian vàng” trong cấp cứu. Trung tâm cấp cứu ngoại viện TP cần tách riêng ra khỏi BV để làm nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện tốt hơn”, ông Lê Trường Giang nói.
|
Làm sao để cấp cứu nhanh nhất
Để khắc phục những hạn chế của 115, các bác sĩ cho rằng, trước hết, phải xây dựng, đầu tư trung tâm cấp cứu ngoại viện được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ cấp cứu chuyên nghiệp, và đa dạng về phương tiện vận chuyển cấp cứu (không chỉ có ô tô); hệ thống thông tin liên lạc (bộ đàm, điện thoại vệ tinh, internet, hệ thống định vị toàn cầu), và cả xe chỉ huy cấp cứu lưu động; bên cạnh việc tăng cường đội ngũ cấp cứu chuyên nghiệp... PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cho biết, Sở cũng đã tính đến việc tách hẳn Trung tâm cấp cứu ngoại viện 115 khỏi BV Cấp cứu Trưng Vương, tuy nhiên, vấn đề quan trọng còn lại là đội ngũ nhân lực.
Bác sĩ Võ Quang Huy - Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện 115 nói: “Vì khoa nằm trong khu “quy hoạch treo” nên những kiến nghị đầu tư trang thiết bị, hệ thống tiếp nhận điện thoại... đều phải chờ cân nhắc của cấp trên”.
Tại hội thảo về cấp cứu ngoại viện ở TP.HCM gần đây, có ý kiến cho rằng: Cần cải thiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện 115 của TP sao cho dưới 20 phút phải đến nơi nạn nhân cần. Vì lâu nay về lý thuyết cấp cứu ngoại viện 115 của BV Trưng Vương tiếng là “nhạc trưởng” điều phối toàn bộ mạng lưới cấp cứu ngoại viện, nhưng chưa điều phối được. Còn mạng lưới cấp cứu 115 tại các BV, quận huyện chỉ là lồng ghép vào các kíp trực cấp cứu nội viện; cải thiện chất lượng trung tâm nhận cuộc gọi để có trả lời nhanh và thích hợp cho từng tình huống... Và, với thực trạng giao thông, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM như hiện nay, cần tập huấn ngay một số kiến thức sơ cấp cứu (SCC) ban đầu cho đội ngũ lái xe taxi (như: đặt nạn nhân vào ghế xe sao cho an toàn, biết nẹp cố định chi, cổ...), và trang bị túi SCC tối thiểu cho mỗi xe taxi (băng, gạc, nẹp...) để có thể xử trí bước đầu trước khi đội quân cấp cứu ngoại viện đến.
Bên cạnh đó, lâu nay đội quân và các chốt SCC thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM là rất đông, hơn 1.000 chốt SCC, với 10.000 cấp cứu viên, rải khắp các phường xã, nhưng hoạt động của mạng lưới này rất mờ nhạt, và chưa có sự phối hợp cùng mạng lưới cấp cứu ngoại viện 115. Chúng tôi đặt vấn đề với Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM Lê Quang Ninh (kiêm Giám đốc Trung tâm SCC và Phòng chống thảm họa TP.HCM) về việc “cần có sự phối hợp giữa cấp cứu ngoại viện 115 và mạng lưới SCC của Hội Chữ thập đỏ", thì ông Ninh nói “đó là ý kiến hay, xin ghi nhận”.
Phải làm sao để người dân tin tưởng vào mạng lưới cấp cứu ngoại viện mỗi khi có chuyện khẩn cấp về sức khỏe, nhất là những tình huống khẩn cấp ngoài đường; chứ để cấp cứu 115 phần lớn chỉ là vận chuyển bệnh qua lại từ nhà đến BV và ngược lại không thôi thì chưa đúng tầm của cấp cứu ngoại viện.
>> Phục vụ hay dịch vụ?
>> Cấp cứu 115 chủ yếu... kiếm tiền
>> Cấp cứu 115: xe chờ, người bệnh đợi
Thanh Tùng - Hà Minh
Bình luận (0)