Là một trong những hội chợ về du lịch chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, năm nay, Top Resa đón tiếp 1.200 đơn vị tham gia triển lãm là các hãng du lịch, hàng không hàng đầu của các nước cùng 28.788 khách tham quan. Tại hội chợ, 164 điểm đến trên thế giới đã được giới thiệu. Do thường được tổ chức vào giai đoạn cuối năm và thành phần tham dự đều là những người hoạt động trong ngành nên Top Resa là dịp để các doanh nghiệp dự đoán thị trường du lịch năm sau.
Có mặt tại Top Resa lần này, PV Thanh Niên rất ấn tượng về quy mô của hội chợ, cũng như mức độ chuyên nghiệp của các hãng du lịch, hàng không để quảng bá về đơn vị cũng như đất nước mình. Những nét đặc trưng nhất của mỗi quốc gia đều được thể hiện rất rõ nét, dễ dàng thu hút được sự chú ý của khách tham quan. Gian triển lãm của những xứ nhiệt đới như Costa Rica, Madagascar cực kỳ bắt mắt với tông màu xanh và vài nhánh hoa lá của rừng nguyên sinh. Đến thăm gian của một hãng du lịch Thái Lan, khách sẽ được “chiêu đãi” một màn mát xa rất dễ chịu. Gian hàng của các công ty Brazil thì nhìn từ xa đã biết ngay với quả bóng thật to cùng lời hẹn cho World Cup 2014.
|
Không đáng ngạc nhiên khi các hãng du lịch đầu tư nhiều cho Top Resa. Tại hội chợ, những thông tin của “dân trong nghề” được truyền đi rất nhanh. Chẳng hạn, nếu một quốc gia có sự tiến bộ vượt bậc về mặt quản lý du lịch, nói không ngoa, sau 3 ngày hội chợ, cả thế giới sẽ biết điều đó. Và các tập đoàn du lịch sẽ ngay lập tức lên kế hoạch khai thác điểm đột phá ấy. Nói như thế để lấy làm tiếc về 2 gian hàng của Việt Nam tại hội chợ: quy mô khá nhỏ và hầu như không có mặt các hãng du lịch hàng đầu của nước ta.
Nhân Hội chợ Top Resa, Thanh Niên đã trao đổi với ông Đạo Nguyễn (ảnh), Tổng giám đốc Air France Việt Nam, về tình hình ngành du lịch - hàng không của Việt Nam và thế giới.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, ông nhận xét thế nào về du lịch Việt Nam?
Tôi từng sang Việt Nam khoảng 40 lần khi còn là Giám đốc kinh doanh quốc tế của Air France. So với 10 năm trước, có thể nói du lịch Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ về mặt cơ sở hạ tầng, dịch vụ… Tuy nhiên, đáng tiếc vẫn còn những người làm du lịch chỉ chú trọng cái lợi trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài. Theo thống kê chính thức năm 2011, tỷ lệ du khách Pháp quay lại sau một lần du lịch của Thái Lan cao hơn Việt Nam tới 6 lần. Lối làm ăn “ngắn hạn” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này.
|
Lấy ví dụ, ở một số nhà hàng tại các địa điểm du lịch, du khách nước ngoài sẽ bị tính giá cao hơn khách bản xứ. Sự chênh lệch sẽ mang lại lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng để lại tiếng xấu. Hay một trường hợp khác, cùng là 5 sao nhưng chất lượng dịch vụ của các khách sạn ở những tỉnh thành khác nhau của Việt Nam không đồng nhất. Trong khi khách hàng luôn muốn biết rõ họ chi tiền ra cho “sản phẩm” gì. Những “điểm trừ” như thế không chỉ khiến du khách ngoại quốc không muốn quay lại lần thứ hai, mà đáng lo hơn, họ sẽ kể cho những người xung quanh. Việt Nam có hàng ngàn cây số bờ biển, đây thực sự là một kho báu đầy tiềm năng. Nhưng để khai thác được vốn quý này, cần đầu tư nhiều hơn cho những kế hoạch dài hạn.
Ông có thể cho biết về tình hình phát triển ngành hàng không thế giới những năm gần đây? Các hãng hàng không đối phó thế nào với khủng hoảng kinh tế?
Ngành hàng không dân dụng nhìn chung vẫn tăng trưởng qua từng năm, dù điều kiện kinh tế thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đối với khách du lịch, di chuyển bằng máy bay không còn là điều quá xa xỉ như 2 thập niên trước, đặc biệt với sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ. Còn những khách hàng là doanh nhân thì nhu cầu giao dịch với các đối tác, khách hàng không ngừng tăng lên khiến họ vẫn phải thường xuyên ra nước ngoài. Bên cạnh đó còn có sự gia tăng về mặt số học, đơn thuần nhờ dân số thế giới gia tăng. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã thật sự gây ảnh hưởng đến cơ cấu của ngành hàng không. Cụ thể là ở nhóm khách doanh nhân, trước đây chỉ đi khoang hạng nhất hoặc hạng thương gia. Nay họ vẫn đảm bảo số chuyến bay nhưng sẽ chấp nhận giảm tiện nghi và mua vé ở hạng ghế thấp hơn. Với khách du lịch, họ sẽ chọn giải pháp đi ít hơn hoặc giảm hạng ghế, chuyển sang các hãng giá rẻ.
Khủng hoảng kinh tế khiến các hãng hàng không đều gặp ít nhiều khó khăn và tùy vào hoàn cảnh mà mỗi hãng sẽ có lựa chọn chiến lược khác nhau. Về phần mình, để giảm chi phí, chúng tôi đã phải rà soát lại hoạt động của hãng, xem xét, điều đình hợp đồng lao động của nhân viên… Tuy nhiên, cùng lúc đó, ban lãnh đạo vẫn quyết định đầu tư để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đây là sự chuẩn bị để khi kinh tế thế giới phục hồi, chúng tôi có điều kiện sẵn sàng để giữ và phát triển thị phần của mình.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2010, Pháp là quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới với 77,1 triệu khách, hơn khá xa so với 2 vị trí tiếp theo là Mỹ (59,8 triệu khách) và Trung Quốc (55,7 triệu khách). Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có vị trí cao nhất, xếp thứ 16 với 15,9 triệu khách. Du lịch đã mang về cho Pháp 46,6 tỉ USD trong năm 2010. |
Lan Chi
>> Quảng bá thương mại, du lịch Việt Nam tại Hồng Kông
>> Máy bay mang biểu tượng mới của du lịch Việt Nam
>> Vẻ đẹp nào cho du lịch Việt Nam?
>> Lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia tại Pháp
>> Du lịch Việt Nam chờ... slogan
>> Tuần văn hóa, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc
>> Du lịch Việt Nam bằng nước hoa
>> Du lịch Việt Nam
>> Nghèo nàn sản phẩm du lịch Việt Nam
>> Chi hơn 5 tỉ đồng quảng cáo du lịch Việt Nam trên CNN
>> Du lịch Việt Nam: Mất khách do thiếu nơi lưu trú
>> Du lịch Việt Nam và chuyện "hai cô ca sĩ
>> Cơ hội cho du lịch Việt Nam
>> Tổng thống Bush tiếc vì đã không thể đi du lịch Việt Nam vào lúc này
Bình luận (0)