Sau chiêu lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, gần đây kẻ gian chuyển sang lợi dụng tên tuổi của những thương hiệu uy tín để lừa tuyển cộng tác viên làm việc nhẹ lương cao. Danh sách các thương hiệu lớn thường xuyên được cập nhật và thay đổi hình thức "cộng tác", từ việc xem video, bấm like (thích) để tăng tương tác, kiểm tra đường dẫn... đến mua gói ưu đãi đặc biệt, tham gia chương trình ưu đãi, nhận quà tri ân với chi phí 0 đồng. Mới đây, xuất hiện một số trường hợp đăng ký tài khoản ứng dụng tìm bạn bè, yêu cầu nộp tiền để tạo tài khoản VIP... nhưng thực chất là chiêu lừa mới cập nhật.
Theo một chuyên gia bảo mật, không ít người đã cẩn trọng kiểm tra thông tin về thương hiệu cũng như các bài báo, chia sẻ về hình thức "cộng tác, làm việc tại nhà" xem có phải lừa đảo không, nhưng vẫn bị lừa. Vị chuyên gia chia sẻ: "Họ không tìm ra kết quả về các trường hợp bị lừa từng ghi nhận giống hình thức việc làm thu nhập cao đang được giới thiệu, trong khi thương hiệu lại hoàn toàn có thật, đầy đủ thông tin doanh nghiệp, website... nên tin tưởng tham gia vào đường dây. Điều này cho thấy kẻ gian liên tục thay đổi các nội dung, nhiệm vụ của công việc để tránh bị phát hiện, đồng thời lợi dụng tín nhiệm của doanh nghiệp khác nhằm tăng niềm tin, dễ dàng dẫn dụ "con mồi" vào cái bẫy đã giăng sẵn. Nhưng trên hết, chúng vẫn đánh trúng tâm lý ham việc nhẹ lương cao, thu nhập mỗi ngày cả triệu đồng mà vẫn vừa làm vừa chơi".
Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), có 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng. Bạn đọc (BĐ) Hoàng Anh bày tỏ lo ngại trước "ma trận" này: "Có tới hàng chục kiểu lừa đảo qua mạng thì người dân phải tránh như thế nào. Từ chiếm đoạt tài khoản đến giả mạo thương hiệu rồi các kiểu kết hợp. Chưa kể, với từng đối tượng đang bị nhắm đến, kẻ xấu dùng những cách lừa khác nhau. Đáng lo hơn cả là người già, trẻ em bị dụ dỗ".
Không chỉ muôn hình vạn trạng, nạn lừa tiền online còn liên tục thay đổi cách thức, theo nhìn nhận của BĐ Lý Vĩnh: "Các hình thức lừa đảo liên tục biến tướng, vì thế người dân rất dễ sập bẫy nếu không cảnh giác. Đặc biệt nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ thông minh AI khiến cho việc lừa đảo càng tinh vi hơn".
"Các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều, tinh vi. Cảnh báo, triệt phá chỗ này lại mọc chỗ khác", BĐ Anh Đoan đồng tình.
BĐ Cương Phạm bổ sung, nhắc nhở về dạng lừa đảo mới: "Có hình thức lừa đảo dạng mua bán cổ phần trong công ty ảo. Chúng kêu gọi cá nhân đầu tư, sau đó bán cổ phần. Mua 10.000 đồng/cổ phần, sau đó công ty sẽ mua lại với giá 13.000 đồng. Sau đó đúng là được mua lại với giá đó và cũng kêu gọi được nhà đầu tư lớn hơn. Lần này chơi lớn, bán 16.000 đồng và mua 21.000 đồng, cuối cùng bị lừa".
Cần giải pháp ứng phó hữu hiệu
Theo BĐ, các chiêu thức mà những kẻ lừa đảo giăng ra đều tập trung đánh vào điểm yếu cả tin và tâm lý hám lợi. BĐ truongsonpham123456 thẳng thắn: "Nhiều người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, cộng với lòng tham và mù mờ về thông tin cảnh báo mà báo chí đã đưa, nên dính ngay vào bẫy của bọn lừa đảo. Ta cứ nhớ chắc chắn một điều rằng, nếu mọi công việc kiếm tiền dễ dàng như thế thì anh chị em, họ hàng tám đời nhà người ta đã tranh giành nhau làm sạch sẽ cả rồi, đâu còn dư mà cho thiên hạ cùng hưởng thụ".
BĐ Nghĩa Hòa Lưu cũng chỉ ra điểm vô lý trong những câu chuyện dạng này và đưa lời khuyên: "Một, cái gì dễ ăn thì không bao giờ tới phiên mình. Hai, mình không làm gì trái pháp luật, phạm pháp thì bình tĩnh, không cần phải chứng minh mình trong sạch".
Bên cạnh đó, BĐ đề xuất cơ quan chức năng cần áp dụng hình phạt, chế tài thích đáng đối với những kẻ lừa đảo: "Nên có chế tài thật nặng với những đối tượng này, như tăng hình phạt tù 20 năm trở lên, không hỗ trợ dùng internet, mạng di động trong 10 năm... như vậy mới xứng đáng với những kẻ muốn ăn ở không mà có tiền", BĐ Trung Trung quyết liệt.
"Còn có người thiếu thông tin hoặc ít hiểu biết, nhất là những chuyện diễn ra trên không gian mạng. Nên làm sao có biện pháp để truyền đạt thông tin, cách thức cho người dân đối phó với tình trạng lừa đảo qua mạng, bên cạnh đó tăng cường truy quét, xử lý mạnh tay đối với kẻ xấu. Vì không biết chúng còn nghĩ ra trò lừa đảo nào nữa, chưa kể chiêu cũ mà vẫn hiệu quả thì chúng vẫn dùng tiếp hoặc đổi cách lừa mới", BĐ Thump kiến nghị.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
* Các kiểu lừa đảo ngày càng tinh vi, đôi khi nạn nhân không biết mình đang bị lừa.
Ngày của gió
* Đừng nhẹ dạ cả tin, tiền không dễ kiếm đâu, mình phải bỏ công sức, thời gian mới nhận được thành quả xứng đáng.
Nguyễn Chí Hải
* Nhiều hình thức lừa đảo đã xuất hiện từ lâu nhưng không dẹp bỏ được. Hy vọng nhà nước có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.
Ngọc Sơn
* Phải thật tỉnh táo. Theo dõi thông tin báo đài thường xuyên, để cập nhật thông tin cho mình và người thân, tránh những chiêu lừa đảo trên mạng.
Kim Long
Bình luận (0)