Làm gì để nhà trường kết nối được với doanh nghiệp? Tầm quan trọng của công tác dự báo thông tin về thị trường lao động? Chính sách hỗ trợ các chương trình đào tạo ra sao?...
Các trường họp nhóm để đóng góp ý kiến tại diễn đàn - Ảnh: Lê Thanh |
Đó là những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn đối thoại chính sách "Lập kế hoạch đào tạo kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”, do ĐH Quốc gia TP.HCM và dự án Kỹ năng nghề nghiệp VN tổ chức tại TP.HCM vào ngày 9.12.
Chưa gặp nhau…
Theo ông Lê Ngọc Hà, Tổng giám đốc Khu du lịch Oriental Pearl Beach Resort, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận: “Chương trình đào tạo của nhiều trường ĐH, CĐ hiện nay chưa kết nối được với doanh nghiệp. Trường đào tạo theo cách của riêng mình, còn sinh viên ra trường có đáp ứng được những kỹ năng mà doanh nghiệp cần hay không thì dường như họ chưa quan tâm đến. Môi trường kinh doanh có những thay đổi thường xuyên, trong khi các chương trình đào tạo của nhà trường không chịu kết nối để bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến sinh viên ra trường khi được tuyển vào các doanh nghiệp buộc họ phải đào tạo lại gần như toàn bộ, điều này tồn tại nhiều năm gây lãng phí rất lớn”.
Ông Hà kêu gọi nhà hoạch định chính sách và nhà trường cần liên kết với các doanh nghiệp để lập quy hoạch nguồn nhân lực hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực nhân sự trong các ngành nghề. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa tiêu chuẩn thực hành VN để lao động có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long (Hà Nội), nhìn nhận: “Thực tế việc đào tạo của nhà trường chưa gặp nhau với doanh nghiệp, nhà nước chưa tạo điều kiện và cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào các chương trình đào tạo. Chính vì vậy, doanh nghiệp chưa mặn mà, gắn bó với các trường”.
|
|
Đồng quan điểm với ông Vinh, ông Nguyễn Quang Sang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Ở VN hiện nay chiếm đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ có nhu cầu thì tuyển chứ không có kế hoạch dài hạn. Vì vậy các trường rất khó nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Sang cũng nhìn nhận: “Các trường còn tính bảo thủ, ngại đổi mới chương trình đào tạo. Cần vận dụng linh hoạt chính sách vào giải quyết các vấn đề phù hợp với thực tiễn. Thiết kế chương trình đào tạo theo nhu cầu của xã hội và đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác hoạch định, triển khai đào tạo nghề”.
… Người làm mối
Ông Philip Mondor, Chủ tịch Hội đồng nhân sự du lịch Canada, cho rằng nghiên cứu thị trường lao động hữu ích phải được quản lý bởi một tổ chức có đủ nguồn lực, các hệ thống quản lý hiệu quả và một cơ cấu quản trị thích hợp.
Ông Philip Mondor nêu thực tế: “Tại Canada, các hội đồng ngành thay mặt cho tất cả các bên liên quan nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thị trường lao động. Hội đồng ngành có vai trò thu thập thông tin về các yêu cầu kỹ năng trong các ngành nghề khác nhau, đồng thời tổng hợp và báo cáo thông tin một cách chính xác cho các trường”...
Theo GS-TS Lê Quang Minh, Viện trưởng Viện Quản trị đại học (ĐH Quốc gia TP.HCM), vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp rất quan trọng để làm cầu nối giữa nhà trường với các doanh nghiệp. “Cần nâng cao vai trò và tạo cơ chế để các hiệp hội nghề nghiệp, thực hiện nhiệm vụ liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, mời gọi họ tham gia vào các ban cố vấn chương trình đào tạo của các trường nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế và rà soát chương trình. Sự tham gia tích cực này có thể làm tăng niềm tin của các doanh nghiệp về chất lượng chương trình đào tạo”, ông Minh nói.
Bình luận (0)