Như Thanh Niên đã đặt vấn đề trong bài viết Nghĩa trang và lò hỏa táng cạnh trường đại học?, dự án xây dựng lò hỏa táng và nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, P.Chiềng Cơi, TP.Sơn La được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt ngày 5.12.2017; đề án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt vào tháng 8.2018; Quy mô của nghĩa trang là 40 ha, trong đó phần “lõi” hơn 19 ha. Và nếu không có gì thay đổi, việc xây dựng nhà hỏa táng và một phần đất mai táng sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1, ngay trong năm 2021.
Hãy nghĩ đến cảnh...
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc (BĐ), đối với một đô thị hiện đại, việc xây dựng, quy hoạch nghĩa trang ở vị trí phù hợp là điều cần kíp. Thế nhưng, căn nguyên dẫn đến việc dự án lò hỏa táng và nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La được nhiều phía phản ảnh, không đồng tình là vì trước khi thực hiện, không công khai lấy ý kiến người dân; vị trí xây dựng được cho là nằm trong một thung lũng thấp, ở khu vực trung tâm TP.Sơn La (cách trung tâm hành chính của TP hơn 4 km); cách ký túc xá Trường ĐH Tây Bắc khoảng 700 m, cách Trường tiểu học Quyết Tâm 500 m, cách khu dân cư và Tiểu đoàn K4 Tỉnh đội Sơn La gần 200 m.
Đặc biệt, cột mốc quy hoạch nghĩa trang chỉ cách cột mốc quy hoạch Trường ĐH Tây Bắc 5 bước chân. Trước đó, dự án này do có một số sai phạm trong quy trình phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La đã cho dừng và hủy dự án để thực hiện lại từ đầu.
BĐ Lê Nguyễn chỉ rõ: “Trên thực tế, ở một số địa phương có hiện tượng đầu tư vô nghĩa trang lãi gấp nhiều lần làm khu dân cư cho người sống. Một huyệt mộ 2 x 3 m có giá tối thiểu trên 80 triệu đồng trong khi cơ sở hạ tầng rất đơn giản; còn thu lợi lớn khi xây lăng mộ và các dịch vụ chăm sóc... Do vậy, khi tính đến quy hoạch, xây dựng nghĩa trang hiện đại, hãy hướng đến yếu tố tiết kiệm, văn minh, phù hợp với nhu cầu, mức sống của đa số gia đình”.
BĐ tên Thái viết: “Hãy nghĩ đến cảnh này (nếu thực sự nghĩa trang và lò hỏa táng vẫn được triển khai và đưa vào hoạt động, nằm gần ĐH Tây Bắc): Trong khi các sinh viên đang học tập, lưu trú ở ký túc xá, các nghi thức của đám tang, như: trống kèn, hạ huyệt, không khí ô nhiễm... sẽ “đồng hành”. Nên cấm tuyệt đối xây dựng nghĩa trang cạnh trường học”.
Bài học di dời nghĩa trang
Theo BĐ Trần Phan Hiển: “Việc này cần phải có ý kiến từ cơ quan cấp trên. Nếu quy hoạch như kế hoạch đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt có thể thấy rằng, hiện tại nghĩa trang và lò hỏa táng nằm gần trung tâm TP. Nhưng rồi đây, khi TP mở rộng, điều dễ nhận thấy là nghĩa trang và lò thiêu sẽ nằm trong khu trung tâm; lúc ấy sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Liệu rằng, việc phê duyệt dự án này, với chủ trương làm trung tâm cho TP phát triển liệu có ổn về mặt lập luận, khoa học và khả thi không?”.
Bài học về việc phải di dời nghĩa trang ra khỏi nội đô, trung tâm TP của một số tỉnh thành khác trên cả nước đã được BĐ viện dẫn, để mong rằng, cơ quan chức năng Sơn La xem xét lại quyết định của mình. “Hãy trông vào bài học ở TP.HCM, khi gần đây đã giải tỏa, di dời nhiều nghĩa trang ra khỏi nội thành”, BĐ Nguyễn Tâm lưu ý.
Một BĐ bày tỏ: “Tôi thấy có điều gì đó không ổn khi tỉnh Sơn La có ý định sẵn sàng chấp nhận cho một trường ĐH có tuổi đời hàng chục năm hiện đang tọa lạc tại TP chuyển đi nơi khác để quyết tâm xây dựng một nghĩa trang bên cạnh bất chấp mọi ý kiến. Đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Sơn La phải cầu thị và xem xét lại”.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Sơn La lắng nghe người dân; các bộ, ngành, nghiêm túc tính toán lại chỗ cho người khuất...
Đào Tuấn
Nghĩa trang nhân dân thì phải hỏi ý kiến nhân dân. Vì sao ở dự án này, cơ quan chức năng địa phương lẫn chủ đầu tư không tham khảo ý kiến người dân mà âm thầm thực hiện; để đến khi người dân phát hiện mới tổ chức đối thoại?
Lê Tiến Sĩ
Quy hoạch cần có tầm “nhìn xa, trông rộng”. Đó còn là việc không chỉ chăm chăm vào những lợi ích trước mắt mà còn phải tính đến lợi ích cho nhiều chục năm sau, cho các thế hệ tiếp nối để không phải lãnh chịu hậu quả của việc nghĩa trang nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm.
Lê Hoài Nam
|
Bình luận (0)