Cần nhập 2 vụ án ở Tiên Lãng

06/01/2013 03:30 GMT+7

Viện KSND TP.Hải Phòng vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời tống đạt cáo trạng truy tố anh em ông Vươn về tội giết người cùng 2 bà vợ của ông Vươn và ông Quý tội chống người thi hành công vụ.

Viện KSND TP.Hải Phòng vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời tống đạt cáo trạng truy tố anh em ông Vươn về tội giết người cùng 2 bà vợ của ông Vươn và ông Quý tội chống người thi hành công vụ.

Cần nhập 2 vụ án ở Tiên Lãng 1

Cần nhập 2 vụ án ở Tiên Lãng
Ngôi nhà hai tầng của nhà ông Quý trước khi cường chế; và chỉ còn là đống gạch vụn sau khi bị lực lượng cưỡng chế san phẳng - Ảnh: P.H.S

Tuy nhiên, để nhìn nhận sự thật vụ án và để tòa án có bản án khách quan, thiết nghĩ cơ quan công tố nên yêu cầu nhập hai vụ án này vào một để điều tra, truy tố theo đúng quan hệ nhân quả của nó thì mới thấu tình đạt lý.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2009 khi UBND H.Tiên Lãng ra quyết định thu hồi diện tích 19,3 ha đầm của gia đình ông Vươn. Ông Vươn khởi kiện nhưng bản án hành chính sơ thẩm của TAND H.Tiên Lãng đã bác đơn. Sau khi ông Vươn kháng cáo, ngày 22.4.2010 TAND TP.Hải Phòng ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án. Căn cứ vào đó, UBND H.Tiên Lãng đã coi bản án sơ thẩm là có hiệu lực và ra quyết định cưỡng chế. Giữa tháng 2.2012, TAND tối cao đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm cũng như quyết định đình chỉ xét xử của cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, đến tháng 12.2012, kết luận điều tra vẫn căn cứ vào kết quả xét xử của TAND H.Tiên Lãng và TAND TP.Hải Phòng, bỏ qua quyết định của TAND tối cao.

Còn trong vụ hủy hoại tài sản, có thể thấy rõ hai thời điểm hủy hoại tài sản, đó là vụ phá nhà, đốt lều trông đầm của gia đình ông Vươn vào chiều 5.1 và vụ san phẳng nhà ông Quý, nằm ngoài diện tích cưỡng chế vào ngày 6.1. Đến nay, trong khuôn khổ vụ án này, CQĐT đã khởi tố ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND H.Tiên Lãng về tội “thiếu trách nhiệm...”. Ông Hiền được cho là đã thiếu trách nhiệm từ việc cho tập hợp hồ sơ, căn cứ để ra quyết định cưỡng chế, đến tổ chức chỉ đạo, giám sát quá trình cưỡng chế, để xảy ra cưỡng chế nhầm vị trí, nhầm nhà của gia đình ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Chính vì lẽ đó, việc của ông Hiền đã sai phạm từ đầu dẫn đến vụ chống người thi hành công vụ, rồi đến hành vi hủy hoại tài sản. Nếu nhập cả hai vụ án này vào một để điều tra, xét xử thì sẽ thấy rõ quá trình vi phạm của các bị can, thấy được động cơ chống trả của các thành viên gia đình ông Vươn, thấy được tính nhân quả của các hành vi vi phạm pháp luật và vì sao nó lại xảy ra.

Mặt khác, nhìn vào diễn tiến vụ án này càng thấy nhiều điều... rất lạ. Ngày 5.1.2012 xảy ra vụ anh em ông Vươn bắn súng vào lực lượng cưỡng chế. Ngay sau đó, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội giết người, bắt giam anh em ông Vươn. Xong mãi đến đầu tháng 2.2012, CQĐT mới khởi tố vụ án hủy hoại tài sản tại nhà ông Vươn. Vụ việc như bị chìm xuồng cho đến tận 22.10, tức gần 9 tháng sau mới khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND H.Tiên Lãng về tội hủy hoại tài sản. Đến tận 2.1.2013, tức là chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 1 năm kể từ khi xảy ra vụ việc, CQĐT mới khởi tố bị can đối với ông Hiền. Nhìn vào tiến trình tố tụng này, nhiều người thắc mắc tại sao người dân (anh em ông Vươn) phạm tội thì bị khởi tố, bắt giam nhanh vậy, còn cán bộ chính quyền (ông Khanh, ông Hiền) thì lại rất lâu sau mới khởi tố, bị bắt? Có lẽ sẽ nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu có phải quan thì chậm hơn và ưu ái hơn?

Mục đích của việc điều tra, xét xử là tìm ra bản chất và sự thật khách quan của vụ án, ngay từ đầu, nếu hướng điều tra được tổ chức một cách hợp lý thì báo chí, dư luận đã không tốn nhiều giấy mực, dân tình đã không bức xúc. Nếu hướng điều tra được tổ chức hợp lý sẽ có một bản án khách quan, chính xác, nghiêm minh dù người phạm tội đó là quan hay dân. Ai phạm tội sẽ bị pháp luật xét xử thích đáng, hành vi cầm súng bắn lại lực lượng cưỡng chế của anh em ông Vươn cũng sẽ bị xem xét. Rất cần nhìn nhận, điều tra, xét xử vụ này trên góc nhìn tổng thể, khách quan, logic thì mới mong có bản án thấu tình đạt lý, làm người dân và người phạm tội tâm phục khẩu phục.

Đồng thời, chúng ta cũng cần hiểu rằng bản chất của hình phạt là mang tính răn đe và tính giáo dục. Do đó, cả quan và cả dân cũng đều cần và mong chờ một phán quyết công minh, thấu tình đạt lý để xã hội phát triển tốt đẹp hơn, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền được khẳng định.

“Vướng vật gì, cứ phá”

Theo kết luận điều tra, sáng 5.1.2012, khi lực lượng cưỡng chế tiến vào khu đầm thì bị một số người dùng vũ khí chống lại gây thương vong nên ông Nguyễn Văn Khanh (được phân công là trưởng ban cưỡng chế) quyết định dừng lại, tập kết tại phía ngoài chờ quyết định của cấp trên. Ông Khanh khai nhận, sau khi lực lượng cưỡng chế rút ra ngoài, khoảng 14 giờ cùng ngày, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy có hội ý với nhau và gọi ông Khanh đến, chỉ đạo phá ngôi nhà ông Quý, thu hồi luôn diện tích 21 ha dù chưa có quyết định cưỡng chế. Ông Khanh không đồng ý và không thực hiện lệnh của ông Nghĩa và ông Hiền. Tuy nhiên, trong quá trình khai nhận với cơ quan công an, ông Hiền và ông Nghĩa đều phủ nhận lời khai của ông Khanh.

19 người trực tiếp tham gia tháo dỡ nhà, lều trông coi đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý cũng xác định, ngày 5.1.2012, ông Khanh là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng với Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan đôn đốc lực lượng cưỡng chế phá nhà, đốt lều trông đầm... của gia đình ông Vươn. Sau đó, cả tổ cưỡng chế quay lại khu nhà trông đầm 2 tầng của ông Quý (không nằm trong diện tích cưỡng chế) tiếp tục phá dỡ. Nhưng do nhà bê tông kiên cố không dùng dụng cụ thô sơ phá dỡ được nên ông Khanh chỉ đạo Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang gọi máy xúc đến phá. Ông Hoan nhờ Vũ Văn Kết, là người xã Tiên Hưng thuê giúp máy xúc của Vũ Văn Đoàn. Sáng hôm sau ông Hoan còn dặn tài xế máy xúc: “Trên đường đi vào khu nhà, vướng vật gì, cứ phá”. Do đó, tài xế máy xúc phá luôn 2 chuồng nuôi dê bỏ không để đưa máy xúc áp sát nhà 2 tầng của ông Quý.

Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ đề nghị truy tố ông Khanh cùng 3 đồng phạm khác về tội hủy hoại tài sản là ông Hoa, ông Hoan và ông Liêm. Còn ông Hiền chỉ bị xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm...

Ngày 3.1.2013, Viện KSND TP.Hải Phòng đã trả lại hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung. Như vậy, vụ phá nhà dân giữa thanh thiên bạch nhật này sau gần 1 năm điều tra vẫn chưa được sáng tỏ.

Phạm Hải Sâm

LS Nguyễn Hồng Bách

>> Bốn người trong nhà ông Đoàn Văn Vươn bị đề nghị truy tố tội "giết người
>> Vụ Đoàn Văn Vươn: Bắt tạm giam nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng
>> Chưa có kết quả thẩm định thiệt hại tại nhà ông Đoàn Văn Vươn
>> Vợ ông Đoàn Văn Vươn khiếu nại quyết định khởi tố bị can
>> Kết luận điều tra vụ án anh em ông Đoàn Văn Vươn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.