Gần đây trên thế giới, người ta nói nhiều hơn về đổi mới sáng tạo, về kinh tế tri thức trong đó khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế.
Học sinh phổ thông sinh hoạt tại CLB Robotics của Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM về lập trình sáng tạo robot - Ảnh: Cao Xuân Nam |
Khoa học và công nghệ là công cụ chính để tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21. Làm thế nào có thể thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội, có nhiều hơn nữa những tài năng trẻ theo đuổi và đam mê sáng tạo khoa học công nghệ là mối quan tâm chung không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước phát triển khác.
Nếu nhìn vào xu hướng chọn ngành của học sinh trong những năm qua có thể thấy các ngành khoa học và công nghệ của nước ta chưa có được vị trí và vai trò xứng đáng, nhất là so với khối ngành kinh tế, ngoại thương. Thực tế này không chỉ có ở VN. Thống kê năm 2014 ở Trường ĐH Harvard cho thấy: cứ 5 sinh viên tốt nghiệp thì sẽ có 1 sinh viên chọn làm về tài chính. Nghề nghiệp nào cũng tạo ra giá trị thặng dư cho bản thân và cho xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của ĐH Harvard và ĐH Chicago trong công trình nghiên cứu của mình, đã khuyến cáo về mối nguy cơ cho các quốc gia khi có nhiều người giỏi, thay vì dùng tài năng để tạo ra sự giàu có cho xã hội, lại sử dụng chính tài năng đó để chuyển hóa tài sản của người khác thành sở hữu cá nhân (người Mỹ gọi đó là những rent seekers). Giá như có nhiều hơn những tài năng đó chọn con đường khoa học, nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh ung thư hay tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ tiếp theo.
Cần nhiều hơn những người thầy giỏi và đam mê
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cần sự tham gia của những con người tài năng nhất, chính trực nhất và tiên phong nhất. Những con người ấy cần được ươm tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bước quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ những thầy cô giáo yêu nghề, giỏi khoa học công nghệ (gọi tắt là STEM) để có thể truyền tải, khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo cho các em học sinh ngay từ bậc tiểu học. Chính phủ của Tổng thống Obama đang triển khai kế hoạch dài hạn trong 10 năm với ngân sách lớn để tuyển dụng và đào tạo mới 100.000 giáo viên giỏi, giảng dạy các môn STEM cho bậc phổ thông. Kế hoạch này cũng đặt kỳ vọng sẽ có một triệu cử nhân tốt nghiệp các ngành liên quan đến khoa học và công nghệ.
Ở nước ta, đội ngũ giảng dạy STEM cho bậc phổ thông có thể tuyển thêm từ những cơ sở đào tạo chuyên sâu về khoa học cơ bản. Khi đó, ngoài cơ hội thực hiện những nghiên cứu đỉnh cao, sinh viên tốt nghiệp những ngành khoa học cơ bản có thể trở thành giáo viên tại các trường phổ thông. Họ sẽ tiếp tục đào tạo và ươm mầm cho những thế hệ các nhà khoa học tiếp theo, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Khuyến khích và tôn vinh
Trong bài nói chuyện tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tháng 8.2015 vừa qua, GS Friedman, người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1990, cho rằng một yếu tố quan trọng là sự nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong sự phát triển của đất nước. Cần có nhiều hơn nữa những giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ.
Các trường đại học cũng cần tham gia tạo sân chơi không chỉ cho đối tượng sinh viên mà cả học sinh để thu hút, khuyến khích và bồi dưỡng niềm đam mê sáng tạo khoa học cho các em. Trại hè về sáng tạo công nghệ của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) vừa qua đã thu hút 160 em học sinh THPT đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Một trong những thử thách dành cho các em là thiết kế và xây dựng cây cầu bằng những sợi mì ống. Đội chiến thắng là đội có cây cầu chịu được tải trọng nhiều nhất. CLB Robotics của Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đã mở được hai lớp lập trình sáng tạo robot, thu hút sự tham gia của nhiều em học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Nếu như có thêm nhiều trường đại học, nhiều CLB, nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia những hoạt động như vậy thì sẽ tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh thể hiện năng lực sáng tạo và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Bình luận (0)