Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống mại dâm năm 2020 trên địa bàn TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP cho biết hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm, gồm pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị định số 178 ngày 15.10.2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh trên, đã ban hành hơn 15 năm và bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt chưa có quy định điều chỉnh, xử lý hành vi “ mại dâm đồng tính”.
Còn băn khoăn về khái niệm
Theo Sở LĐ-TB-XH TP, đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục, quan hệ tình dục nam với nam, nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm định nghĩa “mại dâm”. Bởi, để xác định mại dâm thì phải xảy ra hành vi giao cấu, mà bản chất của giao cấu xưa nay được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Còn quan hệ tình dục đồng giới vẫn chưa được hiểu là “giao cấu” như cách hiểu thông thường.
Vì vậy, theo Sở LĐ-TB-XH, vì chưa xảy ra hành vi giao cấu, nên không thể xử lý mại dâm đồng tính về các tội hình sự liên quan mại dâm (môi giới mại dâm đồng tính - PV), hay xử lý vi phạm hành chính đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm đồng tính xảy ra tại cơ sở mình.
Liên quan vấn đề được cho là còn bất cập gây khó khăn trong công tác quản lý trật tự an toàn xã hội này, ông Nguyễn Minh Cảnh, nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM, cho biết căn cứ điều 3, Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định và việc xét xử án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, thì giao cấu được hiểu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
“Khái niệm về giao cấu chỉ được tìm thấy trong Nghị quyết 06/2019. Vì vậy, để hiểu rộng hơn về hành vi giao cấu, phù hợp với thực tiễn là giao cấu đồng giới có xử lý được hay không rất khó, trừ khi có quy định cụ thể”, ông Cảnh chia sẻ.
Điều chỉnh là cần thiết ?
Theo luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) quy định mại dâm bao gồm mua dâm và bán dâm. Trong đó, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Còn mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
“Bản chất” mại dâm đồng tính là gì ?Ông Trịnh Lê Anh (chuyên gia về giới, điều phối viên nhóm Cộng đồng LGBT tỉnh Đồng Nai, thành viên Nhóm tư vấn thanh niên Liên Hiệp Quốc tại VN) cho biết quan hệ tình dục đa dạng về cách thức, không nhất thiết phải có hành vi giao cấu; mục đích của quan hệ tình dục trong mại dâm là tạo ra những khoái cảm mong muốn cho cơ thể, vì thế chỉ cần có những tiếp xúc về mặt cơ thể bằng các bộ phận khác nhau, thì cũng được gọi là hành vi quan hệ tình dục.
“Mại dâm là hành vi sử dụng quan hệ tình dục để đổi lấy lợi ích về tiền và mục đích vật chất khác. Nên nhắc tới hành vi mại dâm đồng tính, ta phải thắc mắc về mục đích hành vi này chứ không phải là nhắc tới xu hướng tính dục”, ông Anh nói. “Hiện tại pháp luật ở VN chưa quy định hóa, hợp pháp hóa mại dâm. Định nghĩa hành vi mại dâm theo pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị định số 178 ngày 15.10.2004 của Chính phủ, đã bị hạn chế và không còn phù hợp với xã hội hiện tại”, ông Anh nói thêm và khuyến nghị cần có một số văn bản khác thay thế và quy định rõ ràng hơn về định nghĩa “mại dâm”, nhất là bao gồm các hành vi quan hệ tình dục không có giao cấu.
|
Trong khi đó, theo LS Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu, mại dâm được hiểu là các bên thỏa mãn nhu cầu sinh lý bằng các hành vi mua bán dâm mà hiện nay pháp luật không cho phép. Và theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, hành vi mua bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng - 1 triệu đồng; còn hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua bán dâm, thì bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng, và phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn 6 - 12 tháng.
“Trong các quy định về xử lý mại dâm, các nhà làm luật cũng không nhắc mại dâm đồng giới hay khác giới nên vẫn có thể xử lý các hành vi vi phạm liên quan mại dâm đồng giới. Tuy nhiên, nếu có nhiều cách hiểu khác nhau như hiện nay, và để xử lý vi phạm một cách thuyết phục, có tổ chức, thì cần có văn bản hướng dẫn thống nhất cách xử lý trong khi chờ Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung nghị định cũng như pháp lệnh liên quan”, LS Tám khuyến nghị.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM) cho rằng bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định để hiểu theo nghĩa rộng, rằng chủ thể của tội hiếp dâm, cưỡng dâm, hay giao cấu khi “dùng các hành vi tình dục khác” - là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, để thực hiện hành vi phạm tội, thì bị xử lý hình sự. Vì vậy, theo bà Nhuệ, pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) hay nghị định xử phạt hành chính liên quan cũng cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời để tránh có nhiều cách hiểu trong khi áp dụng pháp luật.
Bình luận (0)