Cần quyết liệt vì điện sạch

12/10/2024 06:03 GMT+7

Điện than buộc phải giảm, mà muốn giảm điện than thì phải tăng tốc các loại điện khác để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Đó là điều tất yếu và ngành điện hiểu hơn ai hết việc này.

Thế nhưng nhìn vào tiến độ từ chính sách đến thực thi điện tái tạo có thể hiểu lý do điện than vẫn chiếm đến 50% trong tổng nguồn điện nền, tính đến thời điểm hiện nay.

Thực tế, chúng ta đã chứng kiến các cơ chế liên quan đến điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu... cứ bàn tới bàn lui, bàn từ trước khi có Quy hoạch điện 8 cho tới quy hoạch được phê duyệt, có hiệu lực cả năm vẫn... tiếp tục bàn. Phát triển điện gió ngoài khơi, theo Bộ Công thương, là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện 8. Ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng thì phát triển điện gió ngoài khơi còn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển. Thế nhưng hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. Cũng vì nhiều lý do, một số nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui. Đơn cử Orsted - tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới - đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Cuối tháng 8 vừa rồi, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại VN và đóng cửa văn phòng đại diện tại Hà Nội. Có thể thấy, tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn, kỳ vọng của chúng ta vào nguồn điện này không nhỏ... nhưng khai thác sử dụng thì vẫn giậm chân tại chỗ.

Tương tự, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) dù đã được ban hành hồi tháng 7 nhưng triển khai trong thực tế cũng còn nhiều hạn chế. Bởi cơ chế này chỉ áp dụng với đối tượng là 7.000 khách hàng lớn, có lượng tiêu thụ điện trung bình 200.000 kWh/tháng. Trong khi đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ hơn cũng có nhu cầu DPPA. Độ vênh giữa chính thức và thực tiễn được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế mấy ngày trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ; tham gia thị trường điện công khai minh bạch...

Dẫn ra một vài ví dụ để thấy sự chậm trễ trong triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Phải nhắc thêm là Quy hoạch điện 8 trước đó cũng trì hoãn hết lần này tới lần khác mới được ban hành. Trong suốt thời gian đó, mọi thứ đều chững lại, chờ đợi.

Nhưng nhu cầu điện của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thì không dừng lại để chờ. Vậy nên điện sạch càng trễ thì phụ thuộc điện than càng kéo dài, nỗi lo thiếu điện càng thường trực. Quan trọng hơn, cam kết về chuyển đổi năng lượng, về giảm phát thải ròng... sẽ lại càng áp lực hơn trong giai đoạn sau.

Còn ngay lúc này, việc xanh hóa nhà máy, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có thể nói là "bảo bối" để doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa. Nếu chúng ta cứ bàn mãi mà không nhanh chóng áp dụng sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng sức cạnh tranh của môi trường đầu tư trong thu hút FDI...

Các vấn đề liên quan đến điện sạch, phải quyết liệt thực hiện thay vì cứ mãi bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.