Cần sớm đưa 2 môn học mới vào tổ hợp xét tuyển ĐH từ năm 2025

30/08/2024 06:27 GMT+7

Từ năm 2025, 2 môn tin học và công nghệ lần đầu tiên được đưa vào nhóm môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển có 2 môn học này để thu hút sinh viên học ngành nghề STEM (khoa học - kỹ thuật - công nghệ - toán).

MÔN HỌC QUAN TRỌNG TRONG NGÀNH NGHỀ STEM

Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (HS), trong đó có 7 năng lực đặc thù: toán học, ngôn ngữ, khoa học, tin học, công nghệ, thể chất và thẩm mỹ. Trong đó, năng lực tin học và công nghệ chưa từng đặt ra ở các chương trình giáo dục trước đây.

Cần sớm đưa 2 môn học mới vào tổ hợp xét tuyển ĐH từ năm 2025- Ảnh 1.

Tin học và công nghệ lần đầu tiên được đưa vào nhóm môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Năng lực tin học và năng lực công nghệ là 2 yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục 2018, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hai môn học là những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và ĐH.

Thực tế trong 2 năm học vừa qua, HS lớp 10 ở các tỉnh, TP lớn đã chọn học môn tin học với tỷ lệ khá cao.Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ HS chọn môn tin học là 62,8%, chỉ đứng sau môn vật lý (74,6%).

Tin học và công nghệ là 2 lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề đào tạo ở giáo dục ĐH và nghề nghiệp. Tuy nhiên, hai môn học này cho đến nay gần như chưa có trường ĐH nào đưa vào tổ hợp xét tuyển do chưa phải là môn thi tốt nghiệp.

SV STEM CỦA VIỆT NAM CHIẾM TỶ LỆ THẤP SO VỚI CÁC NƯỚC

Sinh viên (SV) VN học ngành STEM vẫn còn ít so với các nước. Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ SV VN theo học ngành nghề STEM, tính trên tổng số SV đang thấp so với một số nước trong khu vực và châu Âu. Tỷ lệ SV học ngành STEM năm 2021 của Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36% và Đức 39%. Trong khi cũng năm 2021, tỷ lệ này của VN là 28%. Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ SV theo học của VN chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.

Ngoài ra, việc phân bố SV học ngành STEM ở các vùng miền cũng không đồng đều. Vùng Đông Nam bộ chiếm 58,2%, đồng bằng sông Hồng là 50,2%; vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt xấp xỉ 15%, trung du và miền núi phía bắc xấp xỉ 10%, trong khi Tây nguyên chỉ xấp xỉ 2%.

Từ năm 2025, học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT môn tin học và công nghệ

Theo các nhà kinh tế học, nhân lực STEM đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nhiều quốc gia. Đây là nguồn nhân lực quyết định giúp Mỹ có thể giành chiến thắng trong tương lai, nên tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực này tăng từ 7,9% giai đoạn 2000 - 2010 lên 26% giai đoạn 2010 - 2020.

Với vai trò quan trọng đó, giáo dục STEM, từ phổ thông đến ĐH, đã được triển khai mạnh tại các nước có nền công nghiệp phát triển và đang là xu hướng giáo dục lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngành nghề STEM rất phong phú và không ngừng phát triển, chủ yếu tuyển sinh theo khối A (A00, A01, A02, A03,…) và khối B (B00, B01, B02, B03, B04…). Hiện nay các trường ĐH chưa có tổ hợp nào có công nghệ và tin học.

Cần sớm đưa 2 môn học mới vào tổ hợp xét tuyển ĐH từ năm 2025- Ảnh 2.

Năng lực tin học và năng lực công nghệ là 2 yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục 2018, cũng là 2 môn học cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

LƯU Ý VỀ VẤN ĐỀ CÔNG BẰNG TRONG GIÁO DỤC

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, một trong những thách thức của giáo dục ĐH hiện nay là đổi mới công tác tuyển sinh thích ứng với sự đổi mới của toàn bộ hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục ĐH. Các trường ĐH cần xây dựng thêm các tổ hợp tuyển sinh mới có các môn tin học, ngoại ngữ, giáo dục kinh tế và pháp luật, đồng thời cần công bố sớm từ đầu năm học 2024 - 2025 để HS lựa chọn môn thi sớm.

Việc công bố sớm các tổ hợp xét tuyển mới có môn tin học và công nghệ, nhằm tăng thêm cơ hội cho HS đi vào các ngành nghề STEM.

Điều này, không chỉ giúp cho các trường ĐH thu hút được nhiều SV theo học ngành STEM (từ quy mô 500.000 - 600.000 SV hiện nay lên 1 triệu vào năm 2030, theo quy hoạch phát triển giáo dục ĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) mà còn tác động tích cực hơn với giáo dục phổ thông.

Sớm công bố tổ hợp xét tuyển có công nghệ, tin học sẽ giúp HS tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10. Tuy nhiên, khi đưa tin học, công nghệ vào các tổ hợp xét tuyển ĐH, vấn đề công bằng trong giáo dục cần được đặt ra. Đó là tình trạng thiếu máy vi tính, thiết bị dạy học công nghệ và giáo viên 2 môn học này ở các vùng khó khăn. Điều này đòi hỏi nhà nước, các cấp chính quyền và ngành giáo dục đầu tư về nguồn lực, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học này cho các vùng khó khăn, miền núi và hải đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.