Cần sớm hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt

22/07/2022 06:35 GMT+7

Mặc dù ủng hộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay từ hộ gia đình, tuy nhiên nhiều bạn đọc tỏ ra lúng túng vì chưa có sự hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng.

Như Thanh Niên thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực từ ngày 25.8.2022, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Phân loại rác sinh hoạt cần làm quyết liệt và đồng bộ để đạt hiệu quả cao

Hoài Nhân

Cụ thể, theo khoản 1 điều 26 Nghị định 45/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 1 điều 75 luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là quy định mới và quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này...

Hướng dẫn để dân thực hiện đúng

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự lo lắng khi chỉ còn hơn một tháng Nghị định 45/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết việc phân loại rác từ cơ quan chức năng như UBND phường hay các đơn vị thu gom rác. Việc này khiến người dân rất lúng túng. “Việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu lượng rác, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý... Đây là việc có ích, tôi và cũng như nhiều người dân khác hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào thì đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết. Vậy thì sao người dân biết đường thực hiện. Trong khi theo quy định thì từ ngày 25.8 hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt”, BĐ Thanh Duong ý kiến.

Tương tự, BĐ Hoàng Nguyên viết: “Quy định sắp có hiệu lực mà việc hướng dẫn chi tiết để người dân thực hiện vẫn chưa thấy đâu. Rồi người dân biết thực hiện như thế nào? Tới đó nếu người dân thực hiện sai rồi cơ quan chức năng xử phạt thì tôi thấy rất oan uổng”.

“Đề nghị cơ quan chức năng đưa ra ký hiệu phân loại các loại rác thải khác nhau để dễ thực hiện. Nên có video hướng dẫn phân loại rác để người dân phân biệt cái nào chất thải rắn, chất hữu cơ, chất vô cơ, chất tái chế... Càng có hướng dẫn chi tiết thì việc thực hiện càng dễ dàng”, BĐ Phạm Tuấn góp ý.

Cần tuyên truyền trước khi xử phạt

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. “Việc phân loại rác rất hay, tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng đưa vào thực hiện thực tế liệu có khả thi? Trước đây chúng ta đã có nhiều quy định rất tốt như xử phạt hút thuốc lá, tiểu bậy nơi công cộng nhưng cuối cùng thực hiện cũng chả đi tới đâu. Mong rằng lần này quyết liệt chúng ta sẽ làm được”, BĐ Nguyễn Lượng ý kiến.

Khi áp dụng xử phạt hộ dân không phân loại rác chắc chắn tình trạng đổ trộm rác thải sẽ gia tăng, vì vậy phải tăng cường giám sát, chế tài nếu phát hiện.

Minh Sang

Việc phân loại rác tại nguồn đã được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu, đem lại rất nhiều lợi ích. Giờ VN đi sau thì cần phải làm mạnh, đồng bộ và quyết liệt việc này.

Đào Lê

Để tăng tính hiệu quả, ngoài hướng dẫn thật chi tiết để dân làm thì cũng cần kiên quyết trong việc thực hiện. Nhân viên thu gom rác có thể từ chối thu gom nếu người dân không thực hiện phân loại đúng quy định.

An Phương

Trong khi đó, BĐ Minh Tu cho rằng: “Nhà nước phải áp dụng quy định phân loại rác giống như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm mới thành công được. Người Việt sang Singapore thực hiện rất tốt các quy định của nước họ. Vậy vấn đề là nhà nước có làm nghiêm khắc hay không chứ không hẳn chỉ từ phía người dân”.

“Cần giám sát và tuân thủ chặt quy định, chứ dân thì phân loại đúng, còn người đi thu gom rác về đổ vào chung một nơi thì việc thực hiện không còn ý nghĩa gì. Cần phải thực hiện đồng bộ, từ người dân đến các cơ sở thu gom, vận chuyển, đến nơi xử lý. Có như vậy thì việc này mới có thể phát huy hiệu quả”, BĐ Phan Ba ý kiến.

“Việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình tôi thấy rất hay, tuy nhiên nó phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, cũng như sự quyết liệt của đơn vị thực hiện. Nếu làm được thì quá tốt nhưng tôi đánh giá cực kỳ khó. Vì vậy để quy định hiệu quả, đi vào đời sống trước mắt chưa tiến hành xử phạt mà tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Bên cạnh đó khắc phục, hoàn thiện những hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện. Sau khi mọi quy trình đi vào ổn định, ta mới tính đến chuyện xử phạt”, BĐ Văn Sơn kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.