Phải trả nhiều tiền hơn nếu không phân loại rác thải sinh hoạt

Lê Quân
Lê Quân
03/06/2020 20:09 GMT+7

Nếu không phân loại rác thải sinh hoạt, người dân sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi có phân loại. Đây là điểm mới trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được lấy ý kiến.

Tốn tiền hơn nếu không phân loại rác

Phân loại rác thải sinh hoạt để phải trả ít tiền hơn là vấn đề nổi bật nhất tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 3.6 về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy ý kiến cộng động.
Tại cuộc trao đổi, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thời gian qua còn nhiều bất cập. Trong đó, chức năng quản lý được giao cho nhiều bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng…
Tại cấp địa phương, cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì có nơi là Sở Tài nguyên - Môi trường, có nơi lại là Sở Xây dựng. Do vậy, hiệu quả công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, chất thải sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Điều này dẫn đến khối lượng chất thải phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải, chưa đúng với quan điểm coi chất thải là tài nguyên, chưa theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Để khắc phục tồn tại này, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang lấy ý kiến cộng đồng đã đề xuất giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường giúp Chính phủ làm đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt ở cấp T.Ư; tại địa phương sẽ giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường.
Trong đó bao gồm các nội dung về cơ chế, chính sách và việc hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đồng thời đưa ra quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng phát sinh. “Việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn”, ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng đưa ra quy định khuyến khích người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 5 loại: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Tại cuộc trao đổi, nhiều phóng viên đặt vấn đề về tính khả thi của quy định phân loại rác thải sinh hoạt và được trả lời là phụ thuộc vào ý thức của người dân

Ảnh Lê Quân

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng đưa ra quy định những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải theo quy định.
UBND cấp tỉnh sẽ quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của quy định.

Khả thi hay không là do người dân

Trả lời thắc mắc của báo chí về tính khả thi của quy định này, ông Nguyễn Thượng Hiền cho hay, trước đây đã từng có những doanh nghiệp tổ chức phân loại rác hữu cơ, vô cơ nhưng phương tiện vận chuyển chỉ có 1 xe nên thay vì phân ra lại trộn vào.
Chính vì vậy, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã quy định giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đồng bộ về hạ tầng. “Nếu phân loại ra rồi mà không đồng bộ về hạ tầng thì việc này không phù hợp, tốn kém nguồn lực của nhà nước và người dân. Đây là vấn đề rất khó, phải có lộ trình dài hơi. Để triển khai thành công, đầu tiên phụ thuộc rất nhiều ý thức của người dân. Ý thức của người dân nâng cao thì việc phân loại rác thải sẽ dễ đi vào cuộc sống nhanh hơn”, ông Hiền nói.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên - Môi trường), lý giải dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định thu phí rác thải dựa trên số lượng để tạo động lực cho các hộ gia đình, giảm thiểu lượng chất thải.
Việc giám sát phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sẽ do các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư…
“Người nào xả rác nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Mức tiền này do UBND cấp tỉnh quy định, cao hay thấp tùy vào điều kiện kinh tế, điều kiện của người dân. Có thể, người dân ở Hà Nội sẽ phải trả tiền xả rác nhiều hơn người dân ở vùng núi… Nhưng việc này sẽ phải có lộ trình từng bước dài hơi”, ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.