Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Trần Cường
Trần Cường
20/03/2023 05:54 GMT+7

Ngoài việc đấu tranh, phối hợp của công an và các ngành khác, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng diễn biến phức tạp với phương thức hoạt động tinh vi, kết hợp giữa nhiều hình thức khác nhau, trong đó có chiêu trò "con nhập viện, chuyển tiền gấp" gây thiệt hại lớn về tài sản và gây bức xúc trong nhân dân.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng triệt phá một vụ giả danh nhân viên nhà mạng di động, gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng chục ngàn người ở Ninh Bình cuối năm 2022

Công an cung cấp

Ðối với thủ đoạn này, tội phạm mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện để liên hệ với phụ huynh, báo tin về việc học sinh hoặc người nhà bị tai nạn, đang nhập viện và yêu cầu phải chuyển tiền gấp theo tài khoản ngân hàng (NH) các đối tượng cung cấp để đóng viện phí mới được cấp cứu, sau đó chiếm đoạt.

Gần đây, công an cả nước liên tục triệt phá các đường dây giả danh NH, công an, viện kiểm sát… để lừa đảo người dân với cùng thủ đoạn dùng mạng internet hoặc sim rác để liên lạc, sau đó dùng tài khoản NH thu mua được để nhận tiền, chuyển lòng vòng để chiếm đoạt.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, thực tế việc tội phạm liên tục biến tướng, dùng công nghệ cao để phạm tội, đặt máy chủ ở nước ngoài, dùng sim rác, tài khoản NH "đểu" để phạm tội khiến công tác điều tra gặp khó khăn. Do vậy, việc nhà mạng siết chặt quản lý sim rác, chuẩn hóa thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thuận lợi hơn cho việc điều tra, truy xét tội phạm.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Sim rác đang tiếp tay cho lừa đảo

Ngân hàng cần phối hợp kịp thời với cơ quan điều tra

Ngoài việc siết chặt quản lý thuê bao di động, việc phối hợp giữa ngành NH với cơ quan điều tra cũng rất quan trọng. Ðại diện A05 cho rằng dù thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao thế nào thì để đạt được mục đích cuối cùng vẫn phải chuyển tiền qua NH, hoặc những phương thức thanh toán trực tuyến khác. Do vậy, để chặn nguồn tiền "chảy" về túi tội phạm, các NH cần kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; có biện pháp siết chặt quản lý tình trạng mua bán tài khoản NH nhằm mục đích lừa đảo; có biện pháp thu hồi tài khoản để ngăn chặn tội phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin xã hội và tuyên truyền với người thân, gia đình về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản NH cho bất kỳ người lạ nào khi chưa biết nhân thân, lai lịch. Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần bình tĩnh, tuyệt đối không chuyển tiền ngay mà xác nhận với người thân, giáo viên của con em để được tư vấn.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể bị phạt tù

Mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành vi mua bán thông tin cá nhân, tài khoản NH đều trái với quy định pháp luật. Hầu hết các đối tượng mua lại thông tin tài khoản NH của người khác để thực hiện các hành vi trục lợi bất chính, hoặc phục vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà cá nhân mua bán thông tin tài khoản NH ở mức độ nhẹ có thể bị xử phạt hành chính từ 40 - 100 triệu đồng; nếu mua bán từ 20 tài khoản trở lên sẽ bị truy cứu hình sự, mức phạt thấp nhất từ 20 - 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nặng hơn là phạt tù đến 7 năm.

Về giải pháp, luật sư Tiền cho rằng trách nhiệm thuộc về các nhà mạng phải đẩy mạnh quản lý sim rác, chuẩn hóa thông tin thuê bao; và NH siết chặt quản lý tài khoản NH sẽ giúp hạn chế tội phạm. Đặc biệt cần chặn số theo chủ gọi mã quốc gia, chặn số chủ gọi giả mạo số cố định, số dịch vụ… Đồng thời các nhà mạng, NH cần cung cấp số đường dây nóng để người dân nhận biết, tránh tội phạm lợi dụng để giả danh, lừa đảo người dân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.