Lăng kính bạn đọc:

Mạnh tay với nhà mạng để triệt SIM rác

Đ.Huân
(tổng hợp)
16/03/2023 05:53 GMT+7

Vấn đề SIM rác tồn tại lâu nay gây ra nhiều hậu quả cho xã hội, thách thức dư luận, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng này.

Như Thanh Niên thông tin, tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ngang nhiên bày bán công khai khiến tình trạng lừa đảo, mạo danh… vẫn liên tục diễn ra. Theo các chuyên gia, sở dĩ nhà mạng không quyết liệt bởi nguồn thu từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác rất lớn.

Mạnh tay với nhà mạng để triệt SIM rác - Ảnh 1.

SIM rác mua bán công khai khiến những kẻ lừa đảo dễ dàng sử dụng

Nhật Thịnh

Tính đến hết tháng 2.2023, Việt Nam có khoảng 99,6 triệu thuê bao điện thoại di động thông minh, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 7,1 triệu thuê bao. Năm 2022, theo Bộ TT-TT, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021.

Ông Võ Đỗ Thắng, Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng các nhà mạng đang kinh doanh nên bản thân họ sẽ không thể mạnh tay "chặt đứt" nguồn thu từ việc bán SIM điện thoại. Vì khi bán được SIM đồng nghĩa sẽ phát sinh doanh thu từ cuộc gọi hay tin nhắn. Đặc biệt, các cuộc gọi lừa đảo đều xuất phát từ SIM rác bởi hiện nay, các ứng dụng miễn phí như Viber, Zalo… đa số đều có chức năng chặn tin nhắn, cuộc gọi từ số lạ. Vì vậy những kẻ lừa đảo sử dụng SIM rác trong vài ngày sẽ không thể gọi điện thoại hay nhắn tin thông qua các dịch vụ miễn phí cho các đối tượng mục tiêu nên chỉ có thể gọi thông thường. Số lượng gọi càng nhiều sẽ đóng góp doanh thu cho nhà mạng càng lớn.

Trách nhiệm thuộc về nhà mạng

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc trước tình trạng SIM rác tràn lan, bị bọn xấu sử dụng lừa đảo người dân và cho rằng việc để SIM rác lộng hành là do lỗi của nhà mạng.

"Ai làm ra SIM, ai bán SIM, ai quản lý SIM, chắc ai cũng biết là từ các nhà mạng viễn thông, vậy tại sao cứ la lên là SIM rác. Những SIM này đều có nơi sản xuất, có nơi bán, có luật phải đăng ký chủ sở hữu mà. Bạn thử làm mất điện thoại xem, đầu tiên là báo tổng đài nhà mạng tạm ngưng hoạt động của SIM ngay. Qua các phân tích trên chúng ta thấy được là các nhà mạng chỉ biết bán SIM càng nhiều càng tốt thu được nhiều tỉ đồng là được, còn chuyện SIM lừa đảo, đòi nợ thì họ không quan tâm. Tóm lại phải có hình thức xử lý thật nghiêm nhà mạng vi phạm thì tình trạng SIM rác sẽ chấm dứt", BĐ Hung Anh thẳng thắn.

Tương tự, BĐ Tran Hung ý kiến: "Mỗi người được cấp một số định danh, thì mỗi người được đăng ký một số điện thoại, trả trước cũng được, trả sau cũng được. Ai muốn gọi liên lạc điện thoại thì nạp tiền vào tài khoản để dùng. Số điện thoại sẽ gắn liền với cuộc đời, không bị thu hồi, luôn luôn được gọi các số khẩn cấp của nhà nước, chỉ có thay máy điện thoại chứ không bao giờ thay SIM số. Quản lý bằng số điện thoại nhiều khi còn chính xác hơn là quản lý bằng CCCD nhiều. Việc này Hàn Quốc người ta làm từ lâu lắm rồi, chỉ có ở Việt Nam là để cho bát nháo SIM số dẫn đến lừa đảo, gây phiền hà".

Còn BĐ Hai Lua viết: "Cần quy định số điện thoại nhà mạng nào thực hiện cuộc gọi lừa đảo mà người bị lừa đảo mất tiền thì nhà mạng đó phải tìm chỉ cho ra người sở hữu thuê bao đó, nếu không tìm ra thì nhà mạng đó phải có trách nhiệm bồi thường số tiền cho người bị lừa cộng với các chi phí phát sinh của vụ lừa đảo. Như vậy sẽ chấm dứt ngay SIM rác".

"Nếu mà SIM làm lậu được nói quản lý khó thì còn thông cảm được. Chứ ở đây SIM do các nhà mạng cung cấp và kích hoạt mà quản lý không được thì phải xem lại. Cứ yêu cầu phát triển khách hàng mà không quản lý thì tất sẽ có SIM rác thôi", BĐ Phuc Khuyen thẳng thắn.

Bêu tên, phạt nặng

BĐ đề nghị cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn, kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc xử lý SIM rác. "Bêu tên và phạt thật nặng, đồng thời cách chức lãnh đạo mạng viễn thông nào để SIM rác tồn tại, thử xem dẹp được không", BĐ Đoàn Hòa thẳng thắn.

Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Dũng ý kiến: "Nói thẳng để xảy ra tình trạng SIM rác như thế này thì trách nhiệm thuộc về nhà mạng. Có lẽ mức chế tài hiện nay chưa đủ mạnh so với lợi nhuận khủng mà nguồn lợi này đem lại nên tình trạng SIM rác chưa được xử lý dứt điểm. Đề nghị cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn, ngoài bêu tên, phạt tiền thì xem xét rút luôn giấy phép nhà mạng để cuộc gọi rác, tin nhắn rác lộng hành".

"Vấn đề rất đơn giản tại sao làm bao nhiêu năm vẫn không xong. Quy định mỗi người, mỗi cá nhân 1 số/nhà mạng. Có đăng ký chính chủ. SIM nào không đăng ký chính chủ cắt. Nhà mạng nào phát tán SIM không chính chủ thì xử phạt nặng. Thử làm mạnh tay xem SIM rác còn tồn tại không", BĐ Binh Phuoc ý kiến.

* SIM rác vẫn tồn tại, các nhà mạng vì lợi nhuận nên thực sự vẫn không xóa sổ SIM rác như cam kết. Đạo đức kinh doanh ở đâu?

Robin

* Việc xử lý SIM rác không khó. Hãy học cách quản lý SIM của Singapore. Mỗi người dân chỉ được sử dụng duy nhất một SIM. Người dân hoặc người nước ngoài/khách du lịch... đến Singapore muốn sử dụng sim thứ hai phải được phép hoặc phải xuất trình passport...

Linh Thao


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.