Đừng đổ lỗi cho SIM rác

12/03/2023 06:11 GMT+7

Bắt đầu bằng việc bị 'dội bom' quảng cáo sản phẩm, hàng hóa... từ đối tượng không quen biết, chúng ta gọi đó là tin nhắn 'rác', cuộc gọi 'rác'.

Mà các loại rác này được phát đi từ thuê bao điện thoại di động trả trước nên một cách tất lẽ dĩ ngẫu, nó được gọi là SIM rác. Nhưng thực tế, không hề có SIM rác. Mọi số thuê bao bán ra ngoài thị trường đều có đơn vị quản lý rõ ràng.

Hãy đặt ngược tình huống, nếu chẳng may bị mất điện thoại, việc đầu tiên bạn làm là gì? Chắc chắn là gọi đến nhà mạng nhờ khóa thuê bao để tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng lừa đảo người thân, bạn bè. Vậy tại sao bạn gọi đến nhà mạng? Vì họ chính là người quản lý số thuê bao của bạn. Và theo quy định hiện nay, muốn mua SIM bắt buộc phải khai báo thông tin đầy đủ. Nên một cá nhân không thể mua được SIM rác (tức là có người đăng ký từ trước) nếu đơn vị bán hàng làm tròn trách nhiệm thủ tục khai báo và cung cấp dịch vụ. Mà nếu SIM có đơn vị quản lý, có quy định đầy đủ trước khi được đưa ra sử dụng như vậy thì không thể gọi là SIM rác để "phủi" trách nhiệm của các nhà mạng. Nhất là trong trường hợp các SIM không chính chủ này đang gây ra một loạt vụ lừa đảo khiến nhiều phụ huynh mất cả trăm triệu đồng như hiện nay.

Đến đây, thêm một câu hỏi được đặt ra. Tại sao một số phụ huynh lại phải mất tiền oan ức khi đa phần kiểu lừa đảo lần này đều chuyển khoản qua ngân hàng? Sử dụng SIM không chính chủ để lừa đảo thì có thể bẻ SIM trốn mất, nhưng nếu đã sử dụng tài khoản ngân hàng thì đây là dấu vết rõ ràng và chính xác nhất để tìm ra kẻ lừa đảo. Bởi muốn mở tài khoản ngân hàng, đương nhiên phải khai báo thông tin cá nhân đầy đủ và phải có một trong các loại giấy tờ như CMND/CCCD/hộ chiếu bản chính còn hiệu lực. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin số tài khoản để mở rộng điều tra, tìm ra kẻ lừa đảo. Với trò lừa đảo phụ huynh vừa qua khiến nhiều người bị sập bẫy, việc này càng không thể bỏ qua.

Trở lại với SIM rác, hãy nhìn lại cả quá trình tồn tại dai dẳng của nó trong cả thập kỷ qua để thấy, hậu quả của vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng một cách hết sức phi lý. Từ những việc đơn giản ban đầu là quấy rối, tra tấn bằng cuộc gọi rác, tin nhắn khiến người dân bức xúc, phản ứng. Các nhà mạng nhiều lần cam kết loại bỏ SIM rác nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy. Trước bức xúc của dư luận, để quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn, 5 năm trước, đầu năm 2018, Nghị định 49 quy định tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ tên, CMND... và cả ảnh chụp chân dung). Còn nhớ thời điểm đó, việc đi khai báo SIM chính chủ đã gây náo loạn ở không ít tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người phải nghỉ làm, xếp hàng chờ đợi ngoài trời để kịp giữ số thuê bao. Những tưởng sau việc này, vấn nạn về SIM rác sẽ hết, nhưng không, từ khủng bố bằng cuộc gọi, tin nhắn, SIM rác biến thành cánh tay nối dài của tín dụng đen len lỏi trong các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học; tiếp tay cho lừa đảo, đòi nợ thuê... Năm 2022, Bộ Thông tin - Truyền thông đã từng phạt 7 doanh nghiệp viễn thông vi phạm quản lý thuê bao, xử lý SIM không chính chủ 3 tỉ đồng thì qua năm nay, SIM rác vẫn lộng hành, lừa đảo các phụ huynh đến hàng trăm triệu đồng. Vậy thì lỗi đâu phải SIM rác, lỗi quản lý đấy chứ?

Mà đã lỗi quản lý thì tại sao các doanh nghiệp để SIM rác gây ra bao hệ lụy cho xã hội hết lần này tới lần khác lại không bị rút giấy phép hành nghề, như bao ngành nghề khác?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.