Thứ nhất là sự đình trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19. Thứ hai là cuộc cạnh tranh, xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn và lan rộng. Thứ ba là chiến sự Ukraine - Nga khiến giá năng lượng tăng cao, thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn…
Trong đó, hai nguyên nhân đầu tiên đang tạo ra nhiều thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là cơ hội trong nguy biến của kinh tế toàn cầu, giúp Việt Nam đón nhận dòng chảy của chuỗi cung ứng đang thay đổi mạnh mẽ.
Đến nay, hàng hóa Việt Nam đã tăng nhanh tỷ trọng trong kim ngạch nhập khẩu của nhiều nước. Như bài viết Việt Nam nổi bật trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng của Mỹ trên Báo Thanh Niên ngày 10.3 chỉ rõ, cùng với việc tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong lượng hàng Mỹ nhập khẩu giảm thì tỷ trọng hàng hóa từ các nước khác ở châu Á, bao gồm Việt Nam, lại tăng tương đương (tăng 4 điểm % từ năm 2018 - 2021).
Trong đó, tính riêng Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2018 - 2022 tăng hơn 130%, từ mức 47,5 tỉ USD lên 109,4 tỉ USD. Năm 2018 cũng là thời điểm Mỹ đẩy mạnh các rào cản nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Như thế, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội giữa những nguy khó của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì và khai thác hiệu quả hơn nữa cơ hội có được, chúng ta cần tránh bị liên đới trong các cuộc xung đột thương mại. Điển hình, Việt Nam cần hạn chế việc bị liên đới trong các lệnh trừng phạt do nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa. Do đó cần đa dạng hóa, đồng thời minh bạch và kiểm soát hiệu quả nguồn cung cấp đầu vào của các loại nguyên, vật liệu, nội hàm sản xuất để không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, rào cản nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành quả về xuất khẩu phụ kiện máy tính, linh kiện bán dẫn và thiết bị viễn thông sang thị trường nhiều nước, đặc biệt là Mỹ. Những lĩnh vực này vẫn còn tiềm năng rất lớn, nên Việt Nam cần củng cố và phát triển các nền tảng vững chắc để phát triển mạnh hơn nữa. Đó là phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không thể mãi dựa vào thế mạnh nguồn nhân công giá rẻ.
Ngoài ra, như chuyên gia kinh tế Eric Chiang (Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's) khuyến cáo khi trả lời Thanh Niên gần đây: "Việt Nam cần đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng như nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động hậu cần và tạo nền tảng cho nền kinh tế đang phát triển". Kèm theo đó, hiệu quả của ngành logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa) phải được phát triển mạnh mẽ, tránh rơi vào trường hợp như nhiều nước là bị cản trở do hệ thống logistics kém phát triển. Trong ngắn hạn, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần giữ ổn định tỷ giá hối đoái để tránh gây ảnh hưởng lên xuất khẩu.
Khi thực hiện đồng bộ các yếu tố trên thì Việt Nam sẽ có thể tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực để thực sự trở thành điểm đến của quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận (0)