Cụ thể, các lãnh đạo tham gia có Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Bên cạnh đó còn có lãnh đạo các nước đối tác lớn như ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc, ông Scott Morrison - Thủ tướng Úc cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế và đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ASEAN, quốc tế.
Hội nghị bàn về 4 chủ đề, gồm triển vọng kinh tế ASEAN; xu hướng đầu tư bảo đảm yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm.
Chủ động thích ứng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đại dịch Covid-19 hiện nay là thách thức chưa từng có. Bên cạnh đó, một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, thời gian qua còn phải liên tục hứng chịu thiên tai. Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong khó khăn ấy, càng sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng trao đổi với các nhà đầu tư về tình hình Việt Nam và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đồng hành với DN để cùng thịnh vượng. Thủ tướng cũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam, hợp tác cùng các quốc gia thành viên và các nước đối tác của ASEAN tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho DN trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số, môi trường, công nghệ…
Thủ tướng kêu gọi các quốc gia cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của sự phát triển, đồng thời tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN.
Tăng cường chuỗi cung ứng khu vực
Cũng trong sáng 13.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đồng chủ trì Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 12 theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.
Tại hội nghị, Thủ tướng Suga đã đề xuất một số sáng kiến, bao gồm Sáng kiến đối tác đầu tư vì mục tiêu phát triển bền vững (SDG) Mê Kông, hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, và các chương trình nâng cao năng lực trong một số lĩnh vực chuyên ngành. Lãnh đạo các nước Mê Kông hoan nghênh các sáng kiến này.
Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí cần tăng cường hơn nữa kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khu vực...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ cấp bách là tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, DN nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường “bình thường mới”.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 12; và nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 13 trong năm 2021 tại Nhật Bản.
Nâng cấp quan hệ đối tác Mê Kông - Hàn Quốc
Sáng 13.11, Hội nghị cấp cao Mê Kông - Hàn Quốc lần thứ 2 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đồng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Hội nghị đã nhất trí nâng cấp hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc lên quan hệ Đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình. Theo đó, các bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong 7 lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động của DN 6 nước.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao Mê Kông - Hàn Quốc lần thứ 2; nhất trí Campuchia và Hàn Quốc sẽ đồng chủ trì Hội nghị cấp cao lần thứ 3 trong năm 2021.
|
Bình luận (0)