SIM rác khó xử lý vì nhà mạng không quyết liệt ?

Mai Phương
Mai Phương
13/03/2023 06:33 GMT+7

SIM rác, SIM không chính chủ ngang nhiên bày bán công khai khiến tình trạng lừa đảo, mạo danh… vẫn liên tục diễn ra. Theo các chuyên gia, sở dĩ nhà mạng không quyết liệt bởi nguồn thu từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác rất lớn.

Nhà mạng thu lớn từ cuộc gọi thoại

Cước phí gọi điện thoại thông thường của thuê bao trả trước trong cùng mạng di động hiện dao động từ 690 - 1.590 đồng/phút; gọi ngoại mạng cao hơn từ 1.290 - 1.790 đồng/phút. Trong đó, giá cước thường sẽ ở sát mức 1.200 đồng/phút. Tin nhắn nội mạng khoảng 290 đồng/tin và ngoại mạng là 350 đồng/tin.

SIM rác khó xử lý vì nhà mạng không quyết liệt ? - Ảnh 1.

SIM rác mua bán công khai khiến những kẻ lừa đảo dễ dàng sử dụng

NHẬT THỊNH

Như vậy, ví dụ cứ một người gọi một cuộc điện thoại khoảng 10 phút thì nhà mạng sẽ thu được hơn 12.000 đồng; tương ứng lên 1 triệu phút thì các nhà mạng sẽ bỏ túi khoảng 12 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 2.2023, VN có khoảng 99,6 triệu thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 7,1 triệu thuê bao. Giả sử cứ một người sử dụng ĐTDĐ chi tối thiểu 100.000 đồng/tháng thì các nhà mạng đã bỏ túi được 9.960 tỉ đồng mỗi tháng. Năm 2022, theo Bộ TT-TT, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Sim rác đang tiếp tay cho lừa đảo

Những năm gần đây khi có sự xuất hiện của các nền tảng cung cấp dịch vụ truyền thông trên internet miễn phí (OTT) khiến doanh thu từ dịch vụ truyền thống của nhà mạng gồm cuộc gọi và tin nhắn giảm mạnh. Dù vậy, theo ước tính, doanh thu từ các dịch vụ viễn thông di động cơ bản vẫn chiếm tới 60 - 70% số thu hằng năm.

Trong doanh thu viễn thông cơ bản thì dịch vụ trả trước cũng chiếm đến 70%, còn lại là trả sau. Tất cả SIM không chính chủ hay còn gọi là SIM rác đều sử dụng dịch vụ trả trước vì chỉ sử dụng vài ngày, một tuần là bỏ. Ông Võ Đỗ Thắng, Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng các nhà mạng đang kinh doanh nên bản thân họ sẽ không thể mạnh tay "chặt đứt" nguồn thu từ việc bán SIM điện thoại. Vì khi bán được SIM đồng nghĩa sẽ phát sinh doanh thu từ cuộc gọi hay tin nhắn. Đặc biệt, các cuộc gọi lừa đảo đều xuất phát từ SIM rác bởi hiện nay, các ứng dụng miễn phí như Viber, Zalo… đa số đều có chức năng chặn tin nhắn, cuộc gọi từ số lạ. Vì vậy những kẻ lừa đảo sử dụng SIM rác trong vài ngày sẽ không thể gọi điện thoại hay nhắn tin thông qua các dịch vụ miễn phí cho các đối tượng mục tiêu nên chỉ có thể gọi thông thường. Số lượng gọi càng nhiều sẽ đóng góp doanh thu cho nhà mạng càng lớn.

Mạnh tay xử phạt hơn nữa

Trả lời tại phiên chất vấn ở kỳ họp Quốc hội đầu tháng 11.2022, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã loại bỏ 22 triệu SIM không đầy đủ thông tin trong 3 năm qua, tuy nhiên việc xử lý SIM rác còn chậm, gây bức xúc dư luận. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giai đoạn 2021 - 2022, có tới 30.000 phản ánh mỗi tháng của người dân liên quan đến cuộc gọi rác, tin nhắn rác, khủng bố qua điện thoại. Trong đó, tin nhắn rác đã bắt đầu chùng xuống nhờ áp dụng tốt công nghệ, mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin. Gần đây, Bộ TT-TT đã triển khai giải pháp cung cấp số điện thoại đầu mối để người dân phản ánh, đồng thời phối hợp các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện để chủ động ngăn chặn.

Trên thực tế, Bộ TT-TT trong năm qua cũng đã xử phạt 7 doanh nghiệp viễn thông vi phạm quản lý thuê bao, xử lý SIM không chính chủ 3 tỉ đồng nhưng SIM rác vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Theo thống kê qua kiểm tra của Bộ TT-TT, có 5.710 cá nhân sở hữu trên 100 SIM, có 261 cá nhân sở hữu trên 1.000 SIM…

Có thể xem xét tiến đến quy định mỗi người dân chỉ được phép đăng ký SIM thuê bao điện thoại di động ngay chính tại cửa hàng của nhà mạng viễn thông thay vì ở bất kỳ cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ nào. Ngoài ra, mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng khi có sai phạm là quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm.

Ông Ngô Minh Hiếu, đại diện dự án Chống Lừa đảo


Ông Võ Đỗ Thắng nhận xét: Đã có nhiều quy định cũng như giải pháp công nghệ mà Bộ TT-TT và nhà mạng đã công bố khi nhắc đến SIM rác. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra xử phạt đến mức độ nào? Theo ông Thắng, mức xử phạt hiện vẫn chưa đủ sức răn đe, hay nói cách khác mức phạt quá thấp, không đáng kể so với nguồn doanh thu phát sinh từ SIM rác. Cụ thể, theo Nghị định 49/2017, mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khi có phát hiện hành vi bán, lưu thông SIM được kích hoạt sẵn. 

"Mức xử phạt này theo tôi là còn thấp nếu so với số tiền họ thu được từ việc bán SIM rác, Nên chăng cần bổ sung thêm các mức phạt bổ sung. Ví dụ khi phát hiện sai phạm có lưu hành SIM rác đến lần thứ ba trở lên thì không những điểm bán và nhà mạng bị phạt tiền mà còn phải bị cấm kinh doanh SIM trong một khoảng thời gian như 3 tháng. Hy vọng như vậy thì các nhà mạng mới mạnh tay kiểm tra và giám sát chặt hơn các cửa hàng, đại lý kinh doanh để giảm được nạn SIM rác tràn lan hiện nay", ông Thắng nói.

Đồng tình, ông Ngô Minh Hiếu, đại diện dự án Chống Lừa đảo, cũng cho rằng SIM rác là phương tiện sử dụng của những kẻ lừa đảo hiện nay. Việc mua bán SIM rác công khai, dễ dàng càng khiến lừa đảo dễ thực hiện. Vì vậy rất cần mạnh tay hơn nữa từ các nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước để giảm được nạn SIM rác. Có thể phải thực hiện song song từ các giải pháp công nghệ ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi rác ngay từ nhà mạng cùng với quản lý chặt việc xác minh danh tính, đăng ký thuê bao điện thoại chính chủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.