Cần sửa luật để lấp lỗ hổng trong quản lý di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/07/2018 08:00 GMT+7

Tiền thu từ du lịch khi khai thác di sản tăng cao, nhiều di sản được UNESCO ghi danh, nhưng những lỗ hổng trong quản lý di sản cũng lộ ra. Vì thế, Bộ VH-TT-DL kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật Di sản văn hóa.

Tăng cả danh và lợi
Tại hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa VN vì sự phát triển bền vững do Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Hà Nội ngày 27.7, bài viết của ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, cho thấy tốc độ phát triển du lịch trong nước.
Ông Croft trích dẫn thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, theo đó, VN xếp thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất trong năm 2017 về tốc độ tăng trưởng. Năm 2017, cả nước đạt 12,9 triệu lượt khách quốc tế với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% và 73 triệu lượt khách nội địa, vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 7%. Đặc biệt, trong quá trình này, theo ông Michael Croft: “Di sản thế giới luôn là điểm đến du lịch năng động và hấp dẫn nhất với sự gia tăng mạnh cả về số lượng du khách và doanh thu du lịch, có sự thay đổi rõ rệt trước và sau khi di sản được ghi danh”.
Thống kê của Bộ VH-TT-DL cũng cho thấy hình dung về sự tăng trưởng này. Chẳng hạn, Văn Miếu Quốc Tử Giám thu từ vé là 46 tỉ đồng năm 2017, vịnh Hạ Long thu 1.100 tỉ đồng, quần thể di tích cố đô Huế thu 320 tỉ đồng, phố cổ Hội An thu 219 tỉ đồng, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng thu 215 tỉ đồng…
Không chỉ tăng về doanh thu từ du lịch, VN hiện cũng sở hữu lượng di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu… tăng và ở hạng cao trong khu vực. Theo Bộ VH-TT-DL, tính đến nay, VN có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Thái Lan có 5 di sản, Phillipines 6, Malaysia 4, Campuchia 3, Lào 2, Myanmar 1, Singapore và Đông Timo chưa có di sản thế giới nào. Chúng ta cũng có tới 12 di sản văn hóa phi vật thể. Trong khi đó, có tới 58/175 quốc gia chưa có di sản được vinh danh, 10 quốc gia mới chỉ có 1 di sản. VN cũng có 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.
Cần sửa luật để lấp lỗ hổng trong quản lý di sản1
Biểu diễn phục vụ khách du lịch ở lăng Tự Đức, TP.Huế Ảnh: Ngữ Thiên
Lấp khoảng trống
Mặc dù vậy, cũng theo nhận định của các chuyên gia, VN còn nhiều vùng xám, khoảng trống trong quản lý khiến di sản đứng trước nguy cơ bị phá hủy.
Theo Bộ VH-TT-DL, một trong những khoảng trống này là quy định về di sản tư liệu. Đây là những di sản có giá trị cho việc tuyên truyền văn hóa đọc, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc. Đó có thể là những bài học làm người trong sách giáo của mộc bản trường Phúc Giang, triết lý sử dụng nhân tài trên bia tiến sĩ Văn Miếu, hay bài thuốc dân gian trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Chưa kể, với mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn, Hoàng Hoa sứ trình đồ - Hành trình đi sứ Trung Hoa, di sản tư liệu còn góp phần xác định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Với việc phân cấp quản lý về địa phương, ông Micheal Croft cũng nêu vấn đề hạn chế về thẩm quyền của ban quản lý di sản thế giới. Hiện tại các ban quản lý chỉ là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. “Điều này gây hạn chế trong công tác kiểm tra, thi hành luật tại địa điểm bảo vệ di sản, quyết định tái phân bổ thu nhập từ di sản; mà chỉ có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan Chính phủ khác hoặc cấp cao hơn”, ông Micheal Croft cho biết. Cũng theo ông Micheal Croft, kết nối giữa UBND tỉnh và ban quản lý di sản thế giới vẫn còn rất lỏng lẻo. Do đó, những cơ chế quản lý nhà nước để tăng cường kết nối và trao quyền cho ban quản lý di sản thế giới cũng sẽ cần được thiết lập.
Chính vì thế, Bộ VH-TT-DL cũng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung luật Di sản văn hóa. Theo đó, cần mở rộng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; hoàn thiện các quy định thuộc lĩnh vực bảo quản tu bổ phục hồi di tích nói chung, di sản thế giới nói riêng; bổ sung di sản tư liệu vào luật Di sản văn hóa để có thể nhận diện giá trị và lập danh mục di sản tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo một số bộ liên quan như Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi một số điều luật để tránh chồng chéo khi thực hiện các dự án liên quan đến di sản. Chẳng hạn, có những công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt có quy mô chỉ vài mét vuông xây dựng (như nhà bia, phương đình…) mà vẫn coi là dự án nhóm A, kéo theo thời gian xét duyệt rất dài, dẫn đến nguy cơ phá hủy di tích do không trùng tu kịp.
Chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này như pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành chưa tốt; chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong dân, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.