Để du lịch di sản bền vững

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/07/2018 06:31 GMT+7

Theo các chuyên gia UNESCO, du lịch di sản cũng cần đặt trên những nguyên tắc của phát triển bền vững. Ở đó, liên kết giữa cộng đồng giữ di sản với di sản và khách du lịch vô cùng quan trọng.

Mở rộng điểm đến vệ tinh, đa dạng hóa sản phẩm
Rất nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi nhóm nghiên cứu của bà Phạm Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội, chọn làng Triêm Tây để phát triển du lịch Hội An. Đó là một ốc đảo nghèo tại xã Điện Phương, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách vùng lõi Hội An 15 phút đi bằng thuyền. Nhưng bà Hường có nhiều lý do để chọn nơi này. “Một vấn đề của Hội An là du lịch tập trung vào trung tâm. Mặc dù, Hội An là khu du lịch được cộng đồng quốc tế yêu thích nhất VN nhưng sự tập trung này cũng dẫn đến nhiều phàn nàn. Sau khi đi hết các điểm du lịch, họ thấy thiếu sự kết nối giữa cộng đồng làm chủ di sản và khách du lịch. Hội An cũng bị đứt đoạn với vùng xung quanh”, bà Hường giải thích tại Hội thảo quốc tế di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới tổ chức tại Quảng Ninh (từ ngày 9 - 11.7).
Khi nhóm dự án của UNESCO quyết định sẽ đầu tư về Triêm Tây ở thời điểm cách đây 4 năm, tuy thống kê cho thấy chỉ số đói nghèo của làng không tệ nhưng đời sống người dân lại chật vật vô cùng. Dù chính quyền tìm cách giữ dân, nhưng hầu hết thanh niên trong làng đều bỏ đi lên Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM kiếm sống. “Trong khi đây là một làng nghề dệt chiếu rất nổi tiếng”, bà Hường nói.
Nhóm dự án của bà Hường và PGS Robyn Bushell sau đó đã đào tạo những điều phối viên trẻ ở chính địa phương về việc lên kế hoạch tài chính, tạo các sản phẩm du lịch phù hợp. Năm 2014, 2 người dệt trong một ngày ra 1 đôi chiếu bán được 20.000 đồng. Nhưng sau đó, bà con đã cải thiện không gian trong nhà để khách du lịch có thể trải nghiệm. “Nguồn thu bổ sung khá hiệu quả. Mỗi nhóm 4 khách tới thăm trong 1 tiếng sẽ trả tiền tour 50.000 đồng. Chiếu vẫn được bán. Họ còn có thêm các sản phẩm khác. Sau đó, UNESCO có kết nối ĐH Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc để đưa sinh viên thiết kế sang đây, sử dụng nguyên liệu để làm thiết kế mới, có xuất khẩu sang Hàn Quốc”, bà Hường nói.
Sau 2 năm từ ngày dự án bắt đầu, người dân Triêm Tây đã biến một vùng đất nhiễm phèn thành vườn cộng đồng. Vườn đón nhiều sinh viên Đà Nẵng, học sinh các trường tiểu học, trung học ở Hội An tới học về sinh học. Các học sinh ở Hàn, Nhật cũng thường đến đây học về du lịch sinh thái và nông nghiệp sạch trong khóa học mùa hè.
“Có thể chỉ ra việc phát triển các điểm đến vệ tinh cũng sẽ giúp đa dạng hóa các trải nghiệm ở di sản. Khách đến khu di sản cũng có nhiều trải nghiệm hơn và ở lại lâu hơn. Và nên nhìn những điểm vệ tinh này ở góc độ nếu nó phát triển mạnh thì sẽ giúp giải tỏa áp lực ở khu vực trung tâm. Nó kéo giãn mức độ tập trung của khách du lịch ở trung tâm”, bà Hường giải thích.
Cộng đồng làm chủ di sản
TS Nao Hayashi, Trung tâm UNESCO Paris, lại nhấn mạnh vào việc các bảo tàng có thể thúc đẩy du lịch di sản bền vững. Muốn vậy, các bảo tàng cần có những cách truyền thông tin tới người dân và khách du lịch về ý nghĩa toàn cầu của di sản.
Nói đến việc cộng đồng địa phương có thể thúc đẩy du lịch di sản bằng cách thực hành nghệ thuật truyền thống cũng như giữ nghề truyền thống, TS Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Ở Hội An, chúng tôi duy trì cộng đồng đội ngũ cộng tác viên. Họ theo dõi quá trình trùng tu, phát huy giá trị trùng tu di tích trong khu phố cổ để thông tin cho cơ quan có thẩm quyền. Cũng có bộ công cụ giáo dục di sản từ tiểu học, trung học dạy chăm sóc di tích cho học sinh tiểu học để các em trở thành chủ nhân tương lai. Điều này chứng minh được sự vào cuộc của cộng đồng địa phương”.
TS Phan Thanh Hải, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cũng nhấn mạnh rằng việc giữ liên kết với cộng đồng là quan trọng. Với Huế, có điều đặc biệt: do là di sản của một triều đại nên người dân lúc đầu có cảm giác di sản là của nhà nước, không phải của mình. Vì thế, trung tâm đã cho miễn phí tham quan với học sinh tiểu học ở Huế, giảm giá với bạn bè tới thăm gia đình người dân ở Huế. Toàn bộ dịch vụ trong di tích cũng cho người địa phương làm. “Sự quan tâm, góp ý của cộng đồng vô cùng quan trọng. Vì thế, tôi có 2 số điện thoại đều phải công khai và không được phép hết pin. Nếu có cuộc gọi nhỡ phải gọi lại ngay khi có thể”, ông Hải nói.
Ông Peter Debrine, Giám đốc chương trình Du lịch bền vững của UNESCO tại Paris, nhấn mạnh việc hỗ trợ người dân kể những câu chuyện về giá trị di sản. Theo ông, có thể chủ động xây dựng các trang web để khách du lịch và người dân đưa những câu chuyện trải nghiệm của mình lên. “Taxi là một phần của câu chuyện kết nối di sản, sau đó là hướng dẫn viên du lịch, và có cả chuyện của du khách”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.