Lo doanh nghiệp tư nhân 'ăn sẵn' di sản thế giới

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/07/2018 07:00 GMT+7

Chỉ khai thác du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có mà không quay lại bảo tồn, không đối thoại khi lập kế hoạch khai thác, tăng trưởng quá nóng, có quy định mà thực hiện không nghiêm... là những nỗi lo về việc doanh nghiệp tư nhân “bóc lột” di sản thế giới được chuyên gia nêu ra.

Liên tiếp cảnh báo
Tại Hội thảo quốc tế Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới do UNESCO tổ chức tại Quảng Ninh từ ngày 9 - 11.7, ông Jake Brunner, trưởng nhóm các nước Đông Dương và Myanmar, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhắc tới những phản hồi của khách về Hạ Long trên trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor.
Đa phần du khách rất ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên của vịnh, nhưng khoảng 10% cảm thấy thất vọng trước tình trạng nước bẩn đục và rác trôi nổi. Đáng nói là 10% phản hồi này lại đến từ những khách du lịch phương Tây, những người chọn tuyến du lịch 3 ngày 2 đêm trên vịnh với mức chi trả cao. “Nếu vấn đề ô nhiễm nước thải và chất thải rắn không được xử lý, danh tiếng của vịnh sẽ bị ảnh hưởng và không còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nữa. Trên thực tế, đã có một số bình luận trên TripAdvisor khuyên bạn bè và gia đình họ không nên đến vịnh Hạ Long nữa. Xu hướng này tác động trực tiếp lên những lợi ích kinh tế từ việc làm và doanh thu từ du lịch của vịnh”, ông Jake Brunner cho biết.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp khai thác du lịch dựa vào tài nguyên sẵn có của di sản mà chưa có những đóng góp tương xứng trở lại để bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó ban Quản lý vịnh Hạ Long

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết hiện số tàu ở di sản này ngày càng tăng. Trong đó có cả tàu du lịch ở lại đêm trên vịnh, tàu vận chuyển và tới đây sẽ có thêm nhiều tàu lớn quốc tế. Theo ông Huỳnh, không phải doanh nghiệp nào cũng có ý thức về việc bảo tồn. “Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp khai thác du lịch dựa vào tài nguyên sẵn có của di sản mà chưa có những đóng góp tương xứng trở lại để bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường”, ông Huỳnh nói.
Không chỉ Hạ Long, Hội An cũng được các chuyên gia nhắc tới để cảnh báo nguy cơ, khi doanh nghiệp tư nhân xây dựng công trình lớn không phù hợp với di sản.
Một nguy cơ khác mà nhóm nghiên cứu của TS Peter Larsen nhắc tới là những tăng trưởng quá nóng. Đây là nhóm nghiên cứu của UNESCO gồm TS Peter Larsen, bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng phòng Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) và PGS-TS Phạm Trương Hoàng (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội). “Nó có thể dẫn đến một dòng khách du lịch lớn vượt quá khả năng của chúng ta. Chẳng hạn, trong buổi sáng thứ bảy, khách du lịch quá nhiều ở Hội An cũng làm giảm cảm xúc của chính họ với di sản này”, ông Hoàng nói.
Theo nhóm nghiên cứu này, xây dựng ồ ạt trong thời điểm thị trường bất động sản phát triển nóng cũng là một nguy cơ tại các di sản thế giới. “Ở một số nơi, xây dựng diễn ra ở lõi của di sản, tác động đến di sản”, ông Hoàng cho biết.
Giám sát và khung pháp lý cao hơn cho di sản
Các chuyên gia đều đánh giá cao về sự năng động và cần thiết của việc liên kết công - tư tại các khu di sản, mang lại những cú hích cho kinh tế, du lịch tại đó. Chẳng hạn, Công ty Đoàn Ánh Dương đang hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ công viên địa chất toàn cầu ở Lý Sơn. Theo ông Hoàng, tại Tràng An (Ninh Bình), Công ty Xuân Trường đã chi 17.000 tỉ đồng đầu tư. Doanh nghiệp này cũng hỗ trợ việc đề cử Tràng An thành di sản thế giới.
Tuy nhiên, những hoạt động xây dựng tại Hội An, Tràng An, xả thải tại Hạ Long... cho thấy vấn đề về quản lý. “Chúng ta có quy định cụ thể về nguyên tắc, về quá trình phê duyệt. Nhưng chúng ta vẫn thấy có công trình được xây. Một số bị cơ quan quản lý dừng, nhưng một số vẫn không dừng. Vì thế, chúng ta cần xem xét cả việc thực hiện quy định đó”, nhóm nghiên cứu của UNESCO cho biết.
Một vấn đề khác là cần thiết lập đối thoại ở địa phương khi xây dựng đề án. “Ở Hội An, người ta nói chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng dự án, nhưng thường chúng tôi biết quá muộn. Do đó, cộng đồng địa phương không có cơ hội tác động gì cả. Cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa cộng đồng và doanh nghiệp”, nhóm nghiên cứu này đề nghị.
Một vấn đề khác là các khu di sản rất muốn có hỗ trợ về chuyên môn của UNESCO khi xây dựng chính sách. Chẳng hạn, Hạ Long đang muốn xây dựng một chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về tàu thuyền. Bên cạnh đó, yêu cầu lắp thêm thiết bị định vị, bộ lọc, ban quản lý cũng đã hạ thời gian tàu được hoạt động để bảo đảm chất lượng tàu tốt hơn, ít ô nhiễm hơn. “Đây là các tiêu chí cao so với quốc gia để tàu có tiêu chí cao, phục vụ khách trên vịnh. Chúng tôi cần hỗ trợ để xây dựng khung pháp lý phù hợp”, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, nói.
Một khung pháp lý quan trọng nữa cũng được nhắc tới là đưa ra những quy định cụ thể hơn cho các vùng lõi, vùng đệm. Theo các chuyên gia, có trường hợp tuy các hoạt động xảy ra bên ngoài, nhưng lại tác động đến vùng lõi di sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.