Cần tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động Quốc hội

30/07/2024 16:35 GMT+7

Đó là ý kiến của đại biểu tại tọa đàm về việc thực hiện luật Tổ chức Quốc hội số 57 năm 2014 Quốc hội khóa XIII được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 65 năm 2020 Quốc hội khóa XIV, do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 30.7.

Đề xuất tại tọa đàm, PGS-TS Huỳnh Văn Thới, quyền Giám đốc Phân viện Học viện hành chính Quốc gia tại TP.HCM, cho biết cần cân nhắc sửa đổi quy định tại khoản 1 điều 1 của luật Tổ chức Quốc hội.

"Bởi lẽ, về bản chất thì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước không thể là quyền lực phát sinh cho bộ máy nhà nước, mà đó là quyền lực ủy thác từ phía nhân dân thông qua khế ước thiêng liêng nhất là Hiến pháp. Khoản 2 điều 2 của Hiến pháp năm 2013 cũng đã xác định khá là rõ, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là do nhân dân làm chủ và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", PGS-TS Thới phát biểu.

PGS-TS Thới còn đặt vấn đề, nếu xem Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam thì có thể kiểm soát được Quốc hội hay không. Đây cũng là điểm cần lưu ý. Tiếp đó, ông Thới cũng đề nghị, đã đến lúc cần tách quyền lập hiến ra khỏi quyền lập pháp của Quốc hội và trao quyền lập hiến này cho nhân dân với quyền phúc quyết của nhân dân đối với hiến pháp.

Còn Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Đạt đánh giá, hoạt động của Quốc hội theo luật Tổ chức Quốc hội ngày càng đổi mới, hoàn thiện theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội; đáp ứng tốt hơn vai trò của Quốc hội và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời gian qua.

Cần tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động Quốc hội - Ảnh 1.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Đạt

HOÀI NHIÊN

Ông Đạt cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện luật Tổ chức Quốc hội. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội ở một số lĩnh vực, địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chất lượng đại biểu Quốc hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực và phẩm chất. Từ đó, dẫn đến việc đóng góp thực sự chưa hiệu quả về kinh tế - xã hội nói chung hay góp ý cho các dự thảo luật.

"Ngoài ra, mặc dù Quốc hội có nhiều hình thức lấy ý kiến của người dân nhưng sự tham gia của người dân vẫn chưa thật sự rộng rãi và hiệu quả. Chỉ một số ở khu vực trung tâm nội thành có tham gia đóng góp của người dân. Ở vùng nông thôn, ngoại thành, miền núi, hải đảo thì hết sức khó khăn khi người dân góp ý vào việc triển khai dự luật", ông Đạt nói.

Bên cạnh đó, ông Đạt cũng nhấn mạnh về việc bám sát Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khi sửa đổi luật Tổ chức Quốc hội.

Ông Trần Hoàng Ngân (Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM) nhận định, với ý kiến tách quyền lập hiến và quyền lập pháp, cần phải trưng cầu ý dân vì 2 quyền này đã được quy định trong Hiến pháp, muốn tách ra thì phải thay đổi Hiến pháp.

"Là đại biểu Quốc hội, tôi cũng chưa hài lòng ở việc thực hiện chức năng lập pháp. Cơ quan soạn thảo dự thảo luật hiện nay không phải là đại biểu Quốc hội mà là của Chính phủ. Mong muốn của các đại biểu Quốc hội là đơn vị soạn thảo luật phải là đại biểu Quốc hội, phải là các Ủy ban của Quốc hội chứ không phải là của Chính phủ. Chúng ta có thể mời Chính phủ, các chuyên gia để tham gia tổ biên soạn này", ông Ngân nói.

Bên cạnh đó, ông Ngân ý kiến, để quyền lập pháp thật sự chuyên nghiệp, cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng số buổi họp có đại biểu chuyên trách và thay đổi nội dung kỳ họp, thống nhất nội dung, từ ngữ trong các hệ thống văn bản luật…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.