Cần tạo đột phá hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Lào

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/01/2024 06:08 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước VN và Lào cần có đột phá trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại

Sáng 7.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương VN - Lào. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone nhấn mạnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu trong hợp tác trên các lĩnh vực.

Cần tạo đột phá hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Lào- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham dự Hội nghị Hợp tác đầu tư VN - Lào

Gia Hân

Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương hai nước, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Hai bên đã khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nọng Khang từ tháng 5.2023; tìm ra hướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với dự án muối mỏ kali của Vinachem; xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương; hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3…

Về trọng tâm hợp tác năm 2024, hai bên thống nhất tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị VN - Lào và kết quả cuộc gặp người đứng đầu 3 Đảng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen; tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung và thỏa thuận ký kết tại kỳ họp 46 lần này.

Hai bên tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác VN - Lào; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại VN - Lào.

Tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp VN với các cơ quan chức năng của Lào; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư. Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp VN; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023.

Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu tư duy mới, cách làm mới trong việc triển khai kết nối giao thông hai nước, huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng - Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hai Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực. VN sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả để Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, AIPA 45 và các hội nghị cấp cao khác.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Cũng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư VN - Lào. Tại hội nghị, hai bên giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của VN và Lào; đánh giá các kết quả hợp tác đầu tư, kinh doanh đạt được trong những năm qua; thảo luận định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới; phản ánh một số vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp VN tại Lào cần được giải quyết; khả năng, mong muốn hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực…

Cần tạo đột phá hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Lào- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

Gia Hân

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện VN - Lào đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan; có ý nghĩa chiến lược; cần ưu tiên để thúc đẩy mạnh hơn nữa nhằm phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước.

Đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới, cần có đột phá. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt, tuyến hàng không kết nối giữa hai nước; xây dựng hạ tầng kết nối các cửa khẩu. Cùng đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử… "Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp VN có khả năng chế biến, đặc biệt VN có thị trường rộng lớn với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận", Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ VN đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho doanh nghiệp hai nước, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi chương trình, dự án không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng kết quả hợp tác đầu tư VN - Lào năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, tạo tiền đề để kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024 và nhiệm kỳ này cao hơn nhiệm kỳ trước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhất trí cao với các ý kiến đánh giá sát thực tiễn về tình hình đầu tư kinh doanh tại Lào; ghi nhận ý kiến phản ánh những vướng mắc, cũng như đề xuất về biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vướng mắc để phát triển. Ông cũng cho rằng thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm tạo bước ngoặt mới, triển khai các dự án hợp tác mới, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị VN - Lào, để quan hệ hợp tác VN - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết thời gian vừa qua, Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư; xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn quốc. Chính phủ Lào cũng đang yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp từng giai đoạn; đồng thời tiếp tục lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển. Ông mong muốn các doanh nghiệp VN tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch…

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước VN - Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

Tăng cường hợp tác Quốc hội VN - Lào

Chiều 7.1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng Thủ tướng Sonexay Siphandone; chúc mừng Lào vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - VN lần thứ nhất (tháng 12.2023), qua đó giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa ba Quốc hội nói riêng và ba nước nói chung; khẳng định trước sau như một, VN luôn dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ truyền thống đặc biệt VN - Lào.

Thủ tướng Sonexay Siphandone bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nhấn mạnh Lào luôn trân trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện VN - Lào.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong quan hệ hợp tác VN - Lào nói chung và hợp tác giữa Quốc hội hai nước nói riêng; nhất trí hai bên cần phối hợp chặt chẽ, triển khai nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, kết nối giao thông, thúc đẩy GD-ĐT, văn hóa và giao lưu nhân dân; đồng thời nhất trí cần tiếp tục quan tâm, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Về hợp tác giữa hai Quốc hội, hai bên nhất trí ủng hộ đẩy mạnh trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo Quốc hội và giữa các ủy ban của Quốc hội hai nước; tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai cơ quan lập pháp, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực hiện các thỏa thuận, hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ.

Cùng đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ủy ban của hai Quốc hội trong việc giám sát thực hiện các thỏa thuận, dự án hợp tác giữa hai nước; tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác chuyên môn giữa các cơ quan liên quan của Quốc hội hai nước. Hai bên nhất trí ủng hộ Quốc hội hai nước tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; nhất là tại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Lào đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và AIPA 2024; khẳng định VN sẵn sàng hỗ trợ tối đa để Lào đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế quan trọng này; đồng thời đề nghị Quốc hội hai nước tích cực phối hợp với Quốc hội Campuchia triển khai hiệu quả các kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất giữa Chủ tịch Quốc hội ba nước vừa qua.

Tổng kim ngạch thương mại song phương 2023 khoảng 1,6 tỉ USD

Hiện có 245 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư của VN sang Lào còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,5 tỉ USD. Năm 2023, vốn đầu tư của VN sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,75 tỉ USD. Ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại VN với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 tỉ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.

Việc hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, việc VN nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.