Cẩn thận khi leo Phanxipang

29/07/2013 12:40 GMT+7

Leo Phanxipang, ngọn núi cao nhất Đông Dương, đã trở thành thách thức thu hút nhiều bạn trẻ, nhưng hành trình này cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm…

Vụ một sinh viên ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội mất tích từ ngày 12.7 sau khi leo lên đỉnh Phanxipang đang gây chú ý dư luận những ngày qua.

Trên khắp các trang mạng xã hội, xuất hiện vô số những lời chia sẻ. Bạn Dolong viết: “Thật buồn khi đọc tin này, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho những du khách hay cơ quan quản lý, khai thác du lịch. Cầu mong rằng em chỉ lạc đâu đó trong rừng và sẽ tìm được lối ra”.

Đường đi nguy hiểm lên Phanxipang - d
Đường đi nguy hiểm lên Phanxipang - Ảnh: Ngọc An

Còn chị Minh Ngọc (28 tuổi, nhà ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội), người vừa trở về sau chuyến chinh phục "nóc nhà Đông Dương" nhớ lại: “Chúng tôi tìm trên các diễn đàn phượt, du lịch để đăng ký đi theo nhóm. Chi phí của chuyến đi là 2,6 triệu đồng, gồm đi lại, ăn uống, găng tay, tất chống vắt, áo mưa, tiều thuê lều bạt, túi ngủ, thuê người khuân vác (porter)… Trưa hôm sau, sau khi “lên đỉnh” thì mạnh ai người nấy xuống núi, không còn porter hay ai giám sát, quản lý nữa. Thấy vậy tôi phải rủ nhập vào một nhóm 3 người khác để xuống núi cho yên tâm nhưng đến đoạn đường lầy, chúng tôi không còn nhận thấy dấu chân để bám theo nữa. May thay, một porter khác đoàn của chúng tôi đã phát hiện ra và chỉ cho đường xuống núi, nếu không thì chúng tôi đã lạc trong khi trời đã sắp tối”.

Tuy nhiên, không phải porter nào cũng tốt, từng có chuyện một số người phục vụ này đã bỏ khách lại phía sau để lấy luôn đồ thuê gùi. Đó thường là những vật dụng đắt tiền như máy ảnh, điện thoại vốn được khách dùng thường xuyên khi đi lên, nhưng lại đưa cho porter gùi xuống núi khi đã mệt và hết hào hứng gọi điện, chụp ảnh.

Các chuyến leo Phanxipang thường do các đơn vị lữ hành bán tour hoặc các nhóm bạn trẻ ưa mạo hiểm tự đứng ra tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thúy, quản lý một công ty du lịch có trụ sở ở phố Mã Mây (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) cho biết người “leo Phan” luôn cần hướng dẫn viên bản địa gùi đồ. Theo đó, các đơn vị lữ hành thường thuê được porter chuyên nghiệp hơn, nếu đoàn lớn thì có cả nhân viên y tế đi kèm. Ngược lại, các nhóm bạn tự tổ chức thường thuê phải porter thời vụ, kinh nghiệm ít, dễ để xảy ra những sự cố không đáng có.

Vẫn theo bà Thúy, các công ty cũng sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của du khách, ai không đủ thể lực thì không được leo.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên nhiều diễn đàn luôn có các lời rủ rê tham gia các cuộc “leo Phan”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Ánh, giám đốc một công ty lữ hành cho rằng không nên vì vài trăm nghìn tiết kiệm mà mạo hiểm với cả tính mạng.

“Nên đi theo tour do Trung tâm du lịch vườn quốc gia tổ chức, còn nếu đi chui thì khi xảy ra sự cố sẽ không có ai đủ tư cách pháp lý để giải quyết hậu quả mà chỉ có du khách thiệt”, Trần Thu Hà, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch UBND H.Sa Pa (Lào Cai), khi đưa khách leo núi Phanxipang, các đơn vị lữ hành phải khai báo thủ tục qua Đội liên ngành quản lý khách du lịch Sa Pa để kiểm tra, sau đó mua vé của Vườn quốc gia Hoàng Liên và thuê hướng dẫn viên, cán bộ của Vườn đi cùng. Khách lẻ đi tự do cũng như vậy. Trong vụ sinh viên Ánh mất tích, huyện đã yêu cầu rà soát, nếu khách đã mua vé qua Vườn quốc gia, thuê  porter của Vườn rồi thì phải xem lại quy trình, sai ở đâu thì xử lý ở đấy.

P.Hậu

Hà An - Ngọc An

>> Làm rõ trách nhiệm vụ sinh viên mất tích ở Phanxipang
>> Phải ký cam kết khi tổ chức leo núi Phanxipang
>> Thuê thám hiểm tìm sinh viên mất tích ở Phanxipang
>> Vụ sinh viên mất tích ở núi Phanxipang: Cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.