Tuy nhiên, để lấy lại được đà tăng trưởng, theo các chuyên gia, Việt Nam cần một gói cứu trợ mới căn cơ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các doanh nghiệp “đầu tàu”.
Thêm gói kích thích
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính ngày 7.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ. Do đó, Bộ Tài chính cần đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa; các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế… “Những năm qua, quy mô tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3 - 4% GDP để kích thích, hồi phục tăng trưởng”, Thủ tướng gợi mở.
Đối với gói tài khóa giảm thuế, phí… gần như mới chỉ tập trung vào các DN nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, rất nhiều DN nhà nước, tư nhân lớn hiện nay đang đứng trước nguy cơ sống còn, đặc biệt ngành hàng không, du lịch, xuất khẩu. “Cần gói kích thích mới với giải pháp đột phá, mạnh tay cứu các DN, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế”, TS Thụ đề xuất.
Quy mô của gói này là bao nhiêu? Vẫn theo TS Bùi Đức Thụ, hiện nay nợ công quốc gia chiếm khoảng 55% GDP, tức thấp hơn trần cho phép 65% GDP. Như vậy còn dư địa để nới lỏng tài khóa mà chưa đe dọa tới an ninh tài chính quốc gia. Với giá trị GDP năm 2019 khoảng 266 tỉ USD, gói cứu trợ mới quy mô khoảng 8 - 10 tỉ USD.
Đầu tàu bị lật, nền kinh tế sẽ đổ vỡ
Theo các chuyên gia, gói kích thích lần này cần có sự lan tỏa mạnh hơn, đặc biệt với các DN đầu tàu của nền kinh tế. Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA), cho biết đại dịch Covid-19 khiến doanh thu năm 2020 của hãng ước giảm 50.000 tỉ đồng, và có thể lỗ 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Jetstar lỗ 1.200 tỉ đồng và Cambodia Angkor Air lỗ 14 - 15 triệu USD. “Với tình trạng này, đến tháng 8 năm nay, công ty sẽ hết tiền”, ông Hiền nói và cho biết: "Hãng không “xin” tiền Chính phủ, mà muốn được vay vốn tối thiểu 4.000 tỉ đồng và tối đa 12.000 tỉ đồng".
Cần có gói tín dụng riêng với lãi suất ưu đãiTS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả, nhận định: Các NH thương mại cũng là DN và vẫn phải đi vay, do đó, yêu cầu cho DN hàng không vay lại với lãi suất 0% là tương đối khó thực hiện. Vì vậy, cần có gói tín dụng riêng, các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, phần còn lại Chính phủ cấp bù lãi suất bằng cách xin phép Quốc hội cho sử dụng nguồn dự trữ khá dồi dào của NHNN và cơ chế tái cấp vốn cho các NH thương mại.
|
Không chỉ ngành hàng không mà rất nhiều “đầu tàu” kinh tế khác cũng đang lao đao. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 56.227 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được cho là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2020. Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đề nghị cần có gói hỗ trợ lãi suất 0% trong chương trình tín dụng của NHNN cho các tập đoàn, tổng công ty.
Đối với ngành hàng không, theo TS Bùi Đức Thụ, đây là lĩnh vực chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Nếu không hỗ trợ, bị đổ vỡ, không chỉ DN ảnh hưởng mà cả nhà nước, nền kinh tế ảnh hưởng theo, tác động dây chuyền tới nhiều ngành, hàng chục nghìn lao động phải ra đường. Tuy nhiên, việc đề nghị hỗ trợ gói lãi suất 0% hiện nay rất khó khả thi, bởi theo luật, nhà nước chỉ vay nợ để đầu tư công, chi thường xuyên chứ không hỗ trợ trực tiếp tiền cho các DN. “Chính phủ có thể chỉ đạo NHNN thiết kế gói tín dụng riêng với mức lãi suất thấp để hỗ trợ cho các hãng bay, DN tư nhân lớn để họ sống sót qua đại dịch, có khả năng phục hồi”, ông Thụ đề xuất.
Bình luận (0)