Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam

Nguyễn Anh Tuấn
Tiến sĩ Địa chất học tại Đại học Nam California, Mỹ
16/02/2023 14:34 GMT+7

Trận động đất kinh hoàng vừa xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria mới đây vẫn còn gây ám ảnh cho mọi người dân trên thế giới. Đã đến lúc nhìn lại vấn đề động đất và khả năng chúng có thể xảy ra tại Việt Nam.

Động đất là gì?

Động đất là một hiện tượng thiên nhiên xảy ra theo các hoạt động kiến tạo trên vỏ đất. Vỏ đất thành lập bằng những địa khối kích thước lớn nhỏ, di chuyển theo những phương hướng khác nhau. Chúng sẽ va chạm hoặc chìm sụp bên dưới nhau. Mặt tiếp xúc giữa hai địa khối thoạt đầu được giữ chặt bên nhau bởi lực ma sát giữa hai địa khối. Theo thời gian, lực nén ép hình thành giữa hai địa khối qua sự di chuyển liên tục của các địa khối. Lực ma sát này bị phá vỡ và xảy ra hiện tượng toạc sụp một cách thình lình và đó là động đất.

Xem nhanh 20h ngày 9.2: Động đất liên tiếp ở Kon Tum | Xe biển đỏ bỏ chạy sau tai nạn?

Có thể lấy kiểu mẫu động đất vùng Nhật Bản. Ở đó, hai địa khối di chuyển hướng vào nhau và một địa khối chìm sụp bên dưới địa khối kia. Tại vùng Nhật Bản, địa mảng biển Thái Bình Dương tiến đến và chìm xuống phần rìa địa mảng Á Âu. Khi lực phát triển do kiến tạo vượt quá lực ma sát giữa ranh giới hai địa mảng, toạc sụp xảy ra và động đất được phát sinh. Động đất loại này có tâm chấn động sâu, có nơi đạt đến độ sâu hàng trăm km hoặc sâu hơn.

Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Sự di chuyển các địa khối tại vùng Nhật Bản

USGS

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria xảy ra theo kiểu mẫu hai địa khối di chuyển trái chiều nhau do sự va chạm giữa địa khối Anatolia (Tiểu Á) và Arabia (Ả Rập). Địa khối Arabia di chuyển hướng lên về phía bắc đẩy địa khối Anatolia về phía tây dọc theo toạc East Anatolian. Các đường toạc này ta quen gọi là đứt gãy (fault). Và tương tự như vậy khi lực đẩy của địa khối này lên trên địa khối kia đạt đến một mức độ nào đó, hai khối sẽ tách toạc ra khỏi nhau và xảy ra động đất. Trong kiểu mẫu này, tâm chấn cạn và có độ sâu từ 20 km trở lại và mang tính chất một di chuyển ngang/xéo.

Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam - Ảnh 2.

Sự di chuyển các địa khối gây ra động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria

PHILSTOCKWORLD.COM

Tại vùng Đông Nam Á, hoạt động kiến tạo do địa khối Ấn Độ chìm sụp bên dưới và đẩy vào địa khối Á Âu (Eurasia) từ khoảng 50 triệu năm trước. Kết quả là rặng Himalaya được thành lập, nổi cao lên cùng với các hệ thống đường toạc được hình thành và phát triển theo hai hướng đông và tây từ Himalaya. Về phía đông, các hệ thống toạc này đã phát triển và kéo dài xa ra đến Thái Bình Dương. Vết tích toạc sụp này được xác định là hệ thống toạc ngang sông Hồng (Red River fault). Phần phía bắc của hệ thống toạc này nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và có tên gọi là Ailao Shan. Một cách tổng quát, hệ thống toạc này trong giới chuyên môn có tên là ASRR (Ailao Shan-Red River) fault.

Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam - Ảnh 3.

Hoạt động kiến tạo tại Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á

IPGP

Như ta có thể thấy trong giai đoạn 1 (từ 50 triệu năm đến 26 triệu năm trước), vùng Đông Nam Á toạc ra về phía đông nam dọc theo toạc sông Hồng (Red River fault). Tiếp theo là giai đoạn 2, khi địa khối Ấn Độ cắm sâu hơn về phía bắc, vùng hoạt động mới thành lập sâu hơn về phía bắc trên lãnh thổ Trung Quốc. Cường độ hệ thống toạc giảm dần trên toạc sông Hồng khi hoạt động kiến tạo chuyển sang hệ thống toạc Altyn Tagh, sâu hơn trong nội địa Trung Quốc. Động đất trong vùng này tập trung trong vùng hệ thống toạc Altyn Tagh. Có thể nói là toạc sông Hồng đã giảm hoặc không hoạt động nữa từ sau mốc 16 triệu năm trước.

Động đất trong vùng Việt Nam

Về nguyên tắc, chúng ta cần phân biệt hai loại động đất: động đất kích thích (induced earthquake) và động đất cơ bản.

Động đất kích thích hầu hết xảy ra do quá trình can thiệp của con người (tích nước trong các đập thủy điện, rút dầu mỏ quá nhanh trong vỏ đất …). Tích nước trong các hồ thủy điện sẽ gây ra một trọng lượng lớn bên trên và đè nặng vào phần kết cấu địa chất bên dưới. Nếu trong vùng có những hệ thống đường nứt, đã lâu rồi coi như không còn hoạt động, nay chúng có thể bị ảnh hưởng và có thể bị xê dịch và gây ra động đất. Kiểu mẫu này chỉ gây những tàn phá có tính chất địa phương, không nghiêm trọng. Do đó, con người hầu như chỉ quan tâm đến các hoạt động địa chất cơ bản do các chuyển động kiến tạo trên vỏ đất, gây những thảm họa tàn phá mang tính chất vùng rộng lớn.

Trong vùng lãnh thổ Việt Nam, trong 20 năm trở lại đây, chúng ta thấy có nhiều trận động đất xảy ra (sông Tranh, Bắc Trà My…), nhưng đây chỉ là những động đất kích thích.

Với kiểu mẫu động đất cơ bản, theo bản đồ truy cập bên dưới, ta thấy cường độ và vị trí động đất vẫn còn tập trung dọc theo phần phía bắc đứt gãy sông Hồng, tức là vùng Ailao Shan. Gần đây, một trận động đất cường độ thấp xảy ra vào ngày 4.2.2023 tại Côn Minh.

Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam - Ảnh 4.

Các trận động đất tại khu vực và vị trí trận động đất gần đây tại Trung Quốc

ESRI

Một số trận động đất trong vùng Biển Đông cũng đã được ghi nhận trong thời gian qua: Vũng Tàu ngày 26.1.2011, cường độ 4.7 độ Richter; Hải Phòng ngày 5.9.2011, cường độ 3.2 độ Richter; Quảng Ninh ngày 15.08.2019, cường độ 3.2 độ Richter...

Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu về động đất tại Việt Nam - Ảnh 5.

Vị trí các trận động đất tại Việt Nam, vịnh Bắc bộ

ESRI

Không đề cập đến các động đất xảy ra trên đất liền vì phần lớn chúng thuộc về nhóm động đất kích thích tạo nên bởi các hoạt động của con người. Chúng ta tập trung vào các trận động đất xảy ra trên vùng biển sâu, mang tính chất của một trận động đất cơ bản hình thành từ các hoạt động kiến tạo.

Theo các dữ kiện thu thập bên trên, ngoài vị trí Vũng Tàu nơi có hoạt động khai thác dầu khí, các vị trí còn lại ở vùng vịnh Bắc bộ có thể xem như là các động đất xảy ra do các hoạt động kiến tạo. Chúng ta chưa có các dữ kiện nghiên cứu về cổ động đất (paleoseismic) trong vùng để biết chúng có còn hoạt động hay không vì các nghiên cứu đã cho thấy rằng động đất xảy ra do toạc sông Hồng đã ngừng lại kể từ 16 triệu năm trước.

Các hoạt động động đất dọc theo vùng phía bắc toạc sông Hồng (Ailao Shan) có mật độ dày đặc, chủ yếu nằm bên trong Trung Quốc như vùng Vân Nam hiện nay. Tuy nhiên, vị trí đơn lẻ của một vài động đất trong vùng biển và đặc biệt trên vùng vịnh Bắc bộ dọc theo hướng phát triển của toạc sông Hồng có thể mang một ý nghĩa nào đó.

Liệu toạc sông Hồng đã ngừng hoạt động hay chỉ là chỉ là tạm "ngủ đông" và sẽ sớm thức dậy? Câu trả lời sẽ có nếu có nhiều hơn những nghiên cứu khoa học để làm rõ vấn đề này. Kết quả có được sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho các nhà hoạch định kế hoạch để đưa ra những quyết định thích hợp - cân bằng giữa lợi ích thiết yếu cho phát triển quốc gia so với tốn kém do thảm họa động đất gây ra, hoặc ít ra là có những chuẩn bị trong việc hoạch định và phát triển quốc gia. Chúng ta không thể trốn chạy khỏi động đất và chúng ta cần hiểu rõ động đất để có thể tồn tại và sống chung với chúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.