Đề án mang tính đột phá
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Đề án cơ bản bám sát chủ trương, đường lối kinh tế của Đảng, khái quát được thực trạng nền kinh tế và tăng trưởng của nước ta sau 25 năm đổi mới. Trên cơ sở đó, các ĐB thống nhất cao sự cần thiết phải tái cơ cấu kinh tế.
|
Đề án có phạm vi rộng, tổng thể và tầm ảnh hưởng toàn diện, vì thế phải thể hiện cơ cấu theo ngành; cơ cấu kinh tế vùng miền và có sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa các vùng miền; cơ cấu kinh tế theo từng thành phần kinh tế; cơ cấu đầu tư; cơ cấu lao động.
Tái cơ cấu ưu tiên trước mắt trong 5 năm tới đặt trọng tâm vào tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công); tái cơ cấu hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại) và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước), với bước đi phù hợp tạo tiền đề cho tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Kết luận buổi họp, bà Ngân có ý kiến, QH đề xuất xây dựng Đề án như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước.
Nên ưu tiên từng lĩnh vực
ĐB Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) cũng đề nghị: Cần kiểm kê lại toàn bộ tài sản nhà nước ở các tập đoàn (lãi, lỗ và sử dụng ra sao), từ đó có tổng kết toàn diện, báo cáo QH để xã hội có cái nhìn khách quan và đánh giá đúng hiệu quả hoạt động tập đoàn, DNNN.
“Tôi ghi nhận đóng góp của tập đoàn, DNNN. Tuy nhiên, những đổ vỡ và sai phạm của các tập đoàn trong thời gian qua cho thấy việc quản lý các tập đoàn chưa chặt chẽ”, ĐB Nga nói.
ĐB Phạm Văn Hồ (tỉnh Phú Yên) đồng ý duy trì DNNN như trong Đề án nhưng yêu cầu cần có định chế kiểm soát minh bạch, có hiệu quả để tránh tình trạng sai phạm và thiếu hiệu quả như hiện nay.
ĐB Ngô Đức Mạnh (tỉnh Bình Thuận) đánh giá cao việc Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn đã đưa ra Đề án tái cơ cấu kinh tế nhằm giải quyết những khó khăn cấp bách hiện nay.
|
ĐB này cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa, Chính phủ nên coi việc hội nhập quốc tế là tiền đề cho Đề án tái cơ cấu kinh tế. Ông cũng đề nghị, trong các lĩnh vực cần tái cơ cấu, nhà nước nên tập trung vào các mặt mà mình có lợi thế. Còn các lĩnh vực còn nhiều hạn chế thì Chính phủ nên liên kết với các nền kinh tế tiên tiến để tiến hành tái cơ cấu.
ĐB Phùng Văn Hùng (tỉnh Cao Bằng) thì cho biết về cơ bản tán thành với những đề xuất của Chính phủ trong Đề án. Tuy nhiên, ông Hùng thắc mắc là: ai sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện?
Không để người lao động bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, một số ĐB băn khoăn với việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, nước ta sẽ đứng ở vị trí nào, có vai trò gì trong nền kinh tế thế giới và chuỗi sản xuất toàn cầu, để tránh tụt hậu.
“Có thể thấy được tính toàn diện trong Đề án nhưng chưa thấy những điểm đột phá để làm đòn bẩy, thay đổi cho nền kinh tế trong thời gian trước mắt và lâu dài”, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP.Cần Thơ) đánh giá.
Theo ĐB Nguyễn Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương), Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về tác động của các nội dung trong Đề án đến từng thành phần kinh tế.
“Cần có sự liên kết vùng, giữa các địa phương để khắc phục tình trạng “63 quốc gia” kinh tế trên đất nước ta như hiện nay”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nói.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá cao nhóm nghiên cứu đưa ra Đề án tái cơ cấu kinh tế vì đã đầu tư rất nhiều công sức và trí tuệ.
Tuy nhiên, ông Ngân tỏ ra thận trọng: “Một trong những thành công quan trọng có ý nghĩa thiên niên kỷ của đất nước sau 25 năm đổi mới là giúp hàng triệu người thoát nghèo… Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế không được để hộ dân tái nghèo và Chính phủ nên có chính sách, kinh phí để chăm sóc tốt người lao động nếu họ bị ảnh hưởng bởi Đề án tái cơ cấu”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)Nguyễn Văn Bình (ảnh) cho biết từ tháng 2.2012, NHNN đã bắt tay vào tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo đó, NHNN tập trung vào kiểm tra, thanh tra toàn diện 9 ngân hàng yếu kém để đưa ra phương án xử lý. Trong tuần qua, có hai đề án của hai ngân hàng đã được xử lý. NHNN dự tính cứ một tuần sẽ trình hai đề án tái cấu trúc ngân hàng lên Chính phủ xem xet. Ban đầu NHNN sẽ để các ngân hàng yếu kém tự đưa ra phương án xây dựng, tái cấu trúc. Nếu ngân hàng không đưa ra thì chúng tôi sẽ có phương án can thiệp. Đến nay phần lớn các ngân hàng đã có phương án xử lý yếu kém và tái cấu trúc phù hợp. Nguồn lực để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đầu tiên kêu gọi mọi tổ chức kinh tế trong nước tham gia tái cơ cấu. Sau đó là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu nhưng vấn đề này Nhà nước sẽ ưu tiên nhà đầu tư trong nước trước. Một vấn đề quan trọng để đưa đến thành công cho tái cơ cấu, là Nhà nước sẽ dựa theo luật pháp cho phép để mua cổ phần trong các ngân hàng yếu kém, sau đó sẽ có phương thức xử lý để bán lại. Kinh nghiệm từ những lần xử lý trước đây cho thấy, vốn Nhà nước bỏ ra đầu tư đều được thu hồi lại.
Riêng về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình hoạt động, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… Tuy nhiên, yếu kém của các tập đoàn nhà nước chính là việc còn chậm đổi mới, hiệu quả kinh doanh thấp, tài chính yếu kém, thua lỗ, quản lý kém. Đây chính là lý do để tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, mục tiêu của tái cấu trúc là không làm suy yếu mà phải làm sao các tổ chức này mạnh lên. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư được coi là biện pháp quan trọng nhất để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần thận trọng trong việc thoái vốn trong các công ty nhà nước. Ông Huệ dẫn chứng: “Ở Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, vốn Nhà nước chỉ chiếm 21% nên rất khó chi phối và quyết định trong mọi chính sách, nhất là liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Khi mình đưa ra ý kiến đều bị cổ đông nước ngoài bác bỏ. Sắp tới sẽ có đề xuất tăng vốn Nhà nước ở công ty này lên”. Bộ trưởng Huệ cũng cho hay những nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài cũng góp phần không nhỏ đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Điển hình như vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Việt Nam vay 600 triệu USD trong vòng 30 năm, với lãi suất 0,5%/năm để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Sắp tới, một phần nguồn vốn này sẽ được dùng để thí điểm tái cơ cấu Tập đoàn Sông Đà.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh) nhận định, Đề án tái cấu trúc nền kinh tế là một đề án lớn. Do đó, Chính phủ phải có những bước xem xét để có bước đi, phương án thích hợp. Ngoài ra, đề án này cũng cần phải có sự đóng gọp của nhiều cấp, nhiều ngành và các chuyên gia. Tuy nhiên, thời gian góp ý quá ngắn chỉ trong vòng 60 ngày nên dù đã trải qua nhiều bước góp ý, lấy ý kiến chuyên gia nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đề ra. Bộ trưởng Vinh lưu ý, để chi tiết một đề án như vậy không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần tập trung hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý. Nếu vấn đề này không thực hiện được thì tái cơ cấu không có ý nghĩa. |
Nguyên Mi - Đình Quân - Hoàng Uy
>> Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể
>> Lạm phát giảm nhưng tiềm ẩn nguy cơ suy thoái
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Tránh đầu tư dàn trải, nửa vời vào nông nghiệp
>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: Kiểm soát, giám sát còn nể nang nhau
>> Giữ lạm phát cả năm ở mức 7 - 8%
Bình luận (0)